Tạo động cho lực làn sóng khởi nghiệp xanh
Chính sách đã cởi trói, sân chơi đã sẵn sàng. Vấn đề giờ đây là cộng đồng doanh nghiệp tư nhân sẽ bước đi ra sao trên con đường đã được mở rộng bằng Nghị quyết 68.
Doanh nghiệp tư nhân đứng trước cơ hội năng lực cạnh tranh. Công nhân Công ty CP Dệt may 29/3 Đà Nẵng trong giờ làm việc. Ảnh: Tường Minh
Tạo động lực cho những người dám nghĩ, dám làm
Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, do Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 4.5.2025 đã xóa bỏ triệt để tư tưởng định kiến về kinh tế tư nhân.
Việc khẳng định doanh nhân là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế” không chỉ có ý nghĩa biểu tượng, mà còn là cam kết chính trị mạnh mẽ nhằm nâng đỡ, bảo vệ và tạo động lực cho những người dám nghĩ, dám làm.
Trao đổi với phóng viên, TS Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng - bày tỏ sự phấn khởi trước Nghị quyết 68. Theo TS Trần Khắc Tâm, Nghị quyết 68 nhấn mạnh việc cải cách thể chế, tạo dựng một môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, minh bạch và công bằng. Điều này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những nút thắt, tạo thêm động lực và dư địa phát triển cho kinh tế tư nhân trong bối cảnh đất nước đang vươn mình mạnh mẽ.
"Một vấn đề tôi đánh giá cao ở Nghị quyết 68 là Đảng, Nhà nước đã đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu" - ông Tâm khẳng định.
Ông Cao Huy Hùng - Giám đốc một doanh nghiệp giặt là tại Đà Nẵng - chia sẻ: “Với Nghị quyết 68, chúng tôi thấy rõ một tinh thần khoan dung có lý trí cho doanh nghiệp cơ hội khắc phục sai phạm, chứ không xử lý hình sự vội vàng. Điều đó tạo nên một sự yên tâm rất lớn để dấn thân làm ăn”.
Tại Khánh Hòa từ đầu nhiệm kỳ, lãnh đạo tỉnh này đã tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, xây dựng, hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển trong những lĩnh vực ưu tiên.
Theo Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa - ông Nguyễn Tấn Tuân, tỉnh sẽ tập trung thu hút các nguồn lực trên các lĩnh vực tỉnh có lợi thế cạnh tranh như phát triển dịch vụ chất lượng cao, du lịch, tài chính, thương mại, logistics, giáo dục - đào tạo và phát triển đô thị.
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.
Riêng trong 3 tháng đầu năm 2025, tình hình kinh tế tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Tỉnh cũng đã hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với 6 dự án đầu tư Khu đô thị quy mô lớn ở Khu kinh tế Vân Phong, huyện Cam Lâm, thành phố Nha Trang với tổng số vốn hơn 45.000 tỉ đồng.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa - cho biết, cùng với du lịch, địa phương phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỉnh sẽ tăng diện tích quy hoạch đất công nghiệp, lựa chọn các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp để phát triển các khu công nghiệp. Tỉnh đặt mục tiêu sẽ có trên 2.000ha đất công nghiệp và trong năm 2025 - 2026 sẽ lựa chọn xong nhà đầu tư.
Chờ đợi làn sóng khởi nghiệp xanh
Ở góc độ tài chính - tín dụng, việc Nghị quyết 68 đề cập đến chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, bãi bỏ lệ phí môn bài, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn, đồng thời yêu cầu cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, cũng mở ra triển vọng phục hồi và phát triển rất lớn, nhất là trong giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Ông Nguyễn Duy Phong - Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất giấy xuất khẩu tại Khu công nghiệp Phú Bài, thành phố Huế - nhận định: “Chúng tôi rất mừng khi Nghị quyết đề cập trực diện đến vấn đề miễn thuế cho doanh nghiệp mới thành lập và tạo điều kiện vay vốn thuận lợi. Điều này sẽ kích thích tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh tế xanh. Với họ, việc được miễn thuế, thuận lợi tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp và ổn định ngay từ đầu có ý nghĩa sống còn”.
Theo ông Phong, chỉ cần các hướng dẫn triển khai liên quan đến cơ chế, nguồn vốn sớm và đi vào thực tiễn, thì “làn sóng khởi nghiệp xanh” tại các địa phương có thể bùng nổ, đặc biệt ở những vùng từng có ít điều kiện tiếp cận vốn và chính sách ưu đãi.
Doanh nghiệp giờ đã có một điểm tựa chính trị, một hành lang pháp lý đang được nới rộng, một cam kết đồng hành được thể hiện bằng hành động. Điều quan trọng bây giờ là cộng đồng doanh nghiệp có dám bước lên mạnh mẽ, đầu tư bài bản, nâng cao năng lực quản trị, chuẩn hóa mô hình và thể hiện được vai trò là “chiến sĩ” trên mặt trận kinh tế như Đảng đã đặt kỳ vọng.
- Phương Anh
https://laodong.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/tao-dong-cho-luc-lan-song-khoi-nghiep-xanh-1509595.ldo
Tường Minh (BÁO LAO ĐỘNG)