Thời sự
Cập nhật lúc 04:22 09/05/2025 (GMT+7)
Tăng cường cây xanh, giám sát ô nhiễm tại Hà Nội

Với hơn 770.000 ôtô và gần 6 triệu xe máy lưu thông mỗi ngày, phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội.

Tăng cường cây xanh, giám sát ô nhiễm tại Hà Nội
Xe điện tiện nghi, thoải mái, giúp người dân có thể vừa di chuyển vừa làm việc. Ảnh: Đức Vân

Bên cạnh các giải pháp vĩ mô, thúc đẩy giao thông xanh sẽ góp phần cải thiện chất lượng không khí cho Thủ đô.

Xe máy và ôtô chạy bằng xăng, dầu là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, toàn thành phố hiện có 17 khu công nghiệp; khoảng 800 làng có nghề, trong đó 318 làng được công nhận làng nghề; hơn 770.000 xe ôtô, gần 6 triệu xe máy lưu thông hằng ngày. Đây chính là nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, trực tiếp, khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, hàng triệu xe máy và ôtô chạy bằng xăng, dầu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị. Trong quá trình hoạt động, các phương tiện giao thông phát thải vào không khí khối lượng lớn các loại khói, khí độc như CO, CO2, NO2, SO2...

Bên cạnh đó, hoạt động đốt rơm rạ, rác thải sinh hoạt của người dân không được kiểm soát cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí.

Kết quả quan trắc của Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2022 cho thấy, các hoạt động này tại Hà Nội đã phát thải ra 758 tấn bụi mịn PM2.5, hơn 8.400 tấn khí CO và gần 110.000 tấn khí CO2, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tiếp đến còn là những nguyên nhân khác như khói thải từ các hộ gia đình, tập kết rác thải không đúng nơi quy định, vận chuyển vật liệu xây dựng không che chắn…

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, thời điểm Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết không thuận lợi, dẫn đến các chất ô nhiễm trong không khí hạn chế khuếch tán, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5.

Các chuyên gia cũng kiến nghị những giải pháp giảm ô nhiễm không khí tại Hà Nội như trồng thêm cây xanh; giảm áp lực dân cư nội đô, hoàn thiện hạ tầng giao thông để giảm ô nhiễm, khói bụi; hiện thực hóa việc chuyển cơ sở sản xuất ô nhiễm, bệnh viện ra ngoài khu vực nội đô; xây dựng hệ thống quan trắc hiện đại, thường xuyên cập nhật thông tin tới người dân; kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm.

Để triển khai nhiều biện pháp đạt hiệu quả nhất, bên cạnh quyết tâm của Hà Nội, cần có sự phối hợp của các tỉnh, thành phố lân cận trong việc ngăn chặn, xử lý nguồn gây ô nhiễm không khí, đồng thời, huy động sự chung tay hỗ trợ, hợp tác của những tổ chức quốc tế và các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, hạn chế tối đa ô nhiễm.

Xe điện tác động tích cực đến môi trường và sức khỏe lái xe

Một trong những giải pháp "xanh hóa" giao thông đô thị được đánh giá cao trong thời gian qua chính là sự phát triển của xe điện, nhận được sự ủng hộ đông đảo từ phía người dân.

Theo phân tích của Automobile Propre - trang tin về xe xanh của Pháp, xe điện không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn cho sức khỏe cộng đồng, nổi bật như có thể góp phần giảm ô nhiễm không khí (giảm phát thải, bụi mịn), giảm ô nhiễm tiếng ồn hơn xe xăng dầu. Với những mẫu xe đô thị có quãng đường di chuyển ngắn, việc dừng nghỉ để sạc còn khuyến khích người lái vận động thường xuyên, giảm tác hại của việc ngồi lâu khi lái xe...

Anh Nguyễn Tiến Tường (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - một lái xe chạy taxi điện - khẳng định, từ khi đổi xe xăng sang chạy xe điện, anh có thể sắp xếp thời gian hợp lý hơn, trong lúc sạc điện cho xe, giúp đảm bảo sức khỏe cho chuyến đi tiếp theo, đồng thời có doanh thu tốt hơn trước.

Các chuyên gia giao thông cho hay, xe điện không thải ra khí độc trong quá trình sử dụng, điều này làm giảm đáng kể nồng độ của các hạt mịn, ôxit nitơ và các chất ô nhiễm có hại khác trong không khí chúng ta hít thở. Do đó, điện khí hóa giao thông cải thiện chất lượng không khí ở các khu vực đô thị, do đó có tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng bằng cách giảm các bệnh về đường hô hấp và tim mạch liên quan đến ô nhiễm.

Mặt khác, ngoài việc phát thải xe trực tiếp, tác động đến sức khỏe liên quan đến toàn bộ chuỗi dầu cũng ảnh hưởng đến các khu vực có nhà máy lọc dầu và cơ sở hóa dầu, nơi cư dân phải chịu những hậu quả lớn về môi trường và sức khỏe.

https://laodong.vn/moi-truong/tang-cuong-cay-xanh-giam-sat-o-nhiem-tai-ha-noi-1503853.ldo

Hương Giang (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: