Tài chính và bất động sản là hai trụ cột tạo đà bứt phá cho kinh tế tư nhân
Nghị quyết 68 được ban hành trong bối cảnh kinh tế tư nhân khẳng định vai trò trụ cột, tạo cú hích chính sách cho các lĩnh vực phát triển.
Phát triển kinh tế tư nhân, tài chính và bất động sản là hai trụ cột song hành. Ảnh: Phan Anh
Tài chính bền vững mở ra cơ hội tiếp cận vốn dài hạn
Kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế, đồng thời là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thời gian qua, hệ thống chính sách và cơ chế hỗ trợ khu vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện rõ quyết tâm của Nhà nước và Chính phủ trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bình đẳng, minh bạch và bền vững.
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành như một cú hích chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tạo đà bứt phá cho khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, giảm tối thiểu 30% thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ và điều kiện kinh doanh; đồng thời thúc đẩy các nguồn lực tài chính bền vững, cải cách đất đai và minh bạch thông tin.
Trong tiến trình đó, tài chính và bất động sản là hai trụ cột song hành đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup, tài chính bền vững đang trở thành xu hướng toàn cầu và mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tiếp cận nguồn vốn dài hạn với chi phí hợp lý. Các công cụ như tín dụng xanh, trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội hay trái phiếu liên kết bền vững (GSS+) không chỉ giúp giảm lãi suất vốn vay mà còn gia tăng độ tin cậy với nhà đầu tư, đặc biệt trong các dự án áp dụng tiêu chuẩn ESG.
Ông Thuân cũng dẫn nội dung mới nhất phản ánh rõ định hướng này là Nghị quyết 68, trong đó nhấn mạnh: “Đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh; Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG)”.
Cùng với đó, Nghị quyết cũng yêu cầu: “Rà soát khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện mô hình các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở cả trung ương và địa phương; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp lớn bảo lãnh cho các khoản vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; chấp nhận rủi ro do điều kiện khách quan, bất khả kháng trong hoạt động bảo lãnh; thực hiện quản lý theo mục tiêu tổng thể; quy định mức trích quỹ dự phòng tài chính hợp lý, nới lỏng điều kiện cấp bảo lãnh so với điều kiện vay vốn ngân hàng; có cơ chế bổ sung nguồn lực, chính sách bảo hiểm hợp lý bảo đảm an toàn hệ thống. Nghiên cứu thành lập quỹ tái bảo lãnh và các mô hình bảo lãnh chéo, đồng bảo lãnh...”.
Đây là nền tảng quan trọng giúp hình thành hệ sinh thái tài chính bền vững, mở ra dư địa mới để khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực dài hạn, an toàn và minh bạch hơn trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Tạo động lực để bất động sản phát huy phát huy vai trò dẫn dắt
Song hành với trụ cột tài chính là lĩnh vực bất động sản - ngành kinh tế có tính lan tỏa cao và là thành phần chủ lực trong khối tư nhân. Theo đánh giá của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), doanh nghiệp bất động sản là một thành phần đặc biệt quan trọng trong khối kinh tế tư nhân, đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều trục phát triển như đô thị hóa, hạ tầng, công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ.
Hoạt động của khu vực này còn kéo theo hơn 40 ngành nghề liên quan như xây dựng, vật liệu, tài chính - ngân hàng, lao động và tiêu dùng...
Tuy nhiên, thị trường đang bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tàu gặp khó khăn khi các dự án bị tạm dừng hoặc đình trệ do vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính chồng chéo, thời gian phê duyệt kéo dài, giải phóng mặt bằng chậm, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gặp nhiều ách tắc.
Những vướng mắc này không chỉ ảnh hưởng đến năng lực triển khai dự án mà còn làm suy giảm niềm tin của thị trường, đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Thể chế minh bạch là nền tảng khơi thông nguồn lực
Theo VARS, Nghị quyết 68 đã đi thẳng vào giải quyết những “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Các giải pháp như rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ và điều kiện kinh doanh sẽ góp phần tháo gỡ các nút thắt thể chế, mở đường cho doanh nghiệp phát triển.
Đồng thời, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia kết nối với các hệ thống liên quan, thúc đẩy giao dịch điện tử và công khai thông tin sẽ là nền tảng quan trọng giúp thị trường định giá minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý và triển khai dự án.
Nếu được triển khai đồng bộ, hiệu quả, Nghị quyết 68 sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về cơ chế, giúp rút ngắn quy trình xử lý thủ tục, tăng số lượng dự án được phê duyệt và khơi thông nguồn cung đang bị nén trên thị trường.
Trong ngắn hạn, có thể xuất hiện tình trạng chậm giải quyết hồ sơ do quá trình sáp nhập, tinh giản bộ máy. Nhưng trong trung và dài hạn, khi bộ máy vận hành ổn định, các thủ tục sẽ trở nên minh bạch, rõ ràng và hiệu quả hơn.
https://laodong.vn/kinh-doanh/tai-chinh-va-bat-dong-san-la-hai-tru-cot-tao-da-but-pha-cho-kinh-te-tu-nhan-1505169.ldo
Lục Giang (BÁO LAO ĐỘNG)