Sắp xếp, bố trí nhân sự sau hợp nhất Quảng Trị, Quảng Bình đảm bảo minh bạch
Quảng Bình - Sau khi hợp nhất 2 tỉnh, nhân sự cấp xã sẽ được phân bổ hợp lý, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả điều hành.
TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) nhìn từ trên cao, đây là nơi được chọn làm trung tâm chính trị - hành chính mới sau hợp nhất giữa Quảng Trị và Quảng Bình. Ảnh: Công Sáng
Tái cơ cấu đội ngũ lãnh đạo
Quá trình hợp nhất tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đang trong quá trình thực hiện. Câu hỏi đặt ra không chỉ là ai sẽ được giữ vị trí nào, mà còn là làm sao để bảo đảm tính công khai, minh bạch, phát huy năng lực và tránh tình trạng xáo trộn tổ chức sau hợp nhất.
Trên cơ sở các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng và Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh đã thống nhất việc hợp nhất sẽ không tổ chức cấp huyện. Thay vào đó, đội ngũ cán bộ cấp huyện hiện nay sẽ được phân bổ xuống cấp xã, nhằm tinh gọn đầu mối và sử dụng hiệu quả biên chế.
Một điểm đáng chú ý là toàn bộ 100% biên chế cấp huyện hiện có sẽ được điều chuyển về cấp xã. Trong đó, những người đang giữ vị trí lãnh đạo, quản lý sẽ trở thành lực lượng nòng cốt tại các xã, phường mới. Đồng thời, sẽ có sự tăng cường cán bộ cấp tỉnh về làm bí thư đảng ủy xã - đặc biệt là ở những địa bàn trung tâm, có tiềm năng phát triển.
Việc bố trí nhân sự sẽ căn cứ vào trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức, đặc biệt là khả năng thích ứng với mô hình hành chính mới. Đáng chú ý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt mục tiêu hạn chế tối đa tình trạng “người địa phương làm lãnh đạo địa phương”, để tránh tư duy cục bộ và lợi ích nhóm, một tồn tại dai dẳng ở không ít đơn vị cấp cơ sở.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang khẳng định, đây là bước đi chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị, không đơn thuần là sự thay đổi về địa giới hành chính. Địa phương cần phân công cán bộ trên cơ sở đánh giá khách quan, chú trọng năng lực điều hành, khả năng hòa nhập cộng đồng mới chứ không dựa vào sự quen biết hay vùng miền.
Phân quyền nhân sự cấp xã
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thông tin, về cơ cấu tổ chức, các đơn vị sự nghiệp, cơ quan chuyên môn cấp xã sẽ được xây dựng theo hướng tinh giản đầu mối, tập trung hiệu lực. Quy trình thành lập đảng ủy xã mới, giải thể đảng bộ cũ, thành lập các cơ quan chuyên môn cấp xã đã được hai tỉnh lên kế hoạch chi tiết và bắt đầu triển khai ngay sau khi có quyết định chính thức từ Trung ương.
Tuy nhiên, bài toán về cơ sở vật chất cũng là thách thức lớn. Việc bố trí trụ sở làm việc, nhà công vụ, chi phí hỗ trợ cán bộ di chuyển là điều không thể xem nhẹ. Ban Chỉ đạo đã tính đến các phương án điều chuyển, hoán đổi trụ sở hành chính, tận dụng tối đa trụ sở dôi dư và ưu tiên dùng cho mục đích công cộng.
Đặc biệt, một số vị trí lãnh đạo quan trọng tại các địa phương sẽ được giao cho những cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy viên hoặc Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong trường hợp đặc biệt, một số xã trọng điểm, có vai trò trung tâm, quy mô dân số lớn sẽ có bí thư đảng ủy là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Việc này nhằm bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, đồng bộ và xuyên suốt trong giai đoạn chuyển giao.
Trong giai đoạn tới, ngoài việc phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo, hai tỉnh cũng sẽ tiến hành đồng bộ việc xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ cấp xã và cấp tỉnh mới, trên cơ sở tích hợp định hướng phát triển của cả hai địa phương. Văn kiện cần thể hiện được tầm nhìn phát triển vùng, sự khác biệt của Quảng Trị hợp nhất và các mục tiêu khả thi đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
https://laodong.vn/thoi-su/sap-xep-bo-tri-nhan-su-sau-hop-nhat-quang-tri-quang-binh-dam-bao-minh-bach-1509733.ldo
CÔNG SÁNG (báo lao động)