Thời sự
Cập nhật lúc 03:40 25/05/2025 (GMT+7)
Sàn giao dịch vàng sẽ là nền tảng cho phát triển trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam

Ngày 24.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có chỉ đạo quản lý thị trường vàng. Về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ có bài viết riêng gửi Lao Động.

Sàn giao dịch vàng sẽ là nền tảng cho phát triển trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng theo hướng người dân được tự do giao dịch, mua bán. Ảnh: Phan Anh

Phát triển Sàn giao dịch vàng quốc gia là nền tảng quan trọng cho mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Vàng là tài sản tiền tệ truyền thống với các chức năng như phương tiện trao đổi, lưu giữ giá trị, đơn vị tính toán và tiêu chuẩn thanh toán sau, và là tài sản đầu tư an toàn trong bối cảnh kinh tế bất ổn.

Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng trên thế giới

Thiết lập và phát triển một sàn giao dịch vàng quốc gia là chiến lược tạo đột phá trong tiến trình xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam. Vàng, có chức năng tiền tệ, được chấp nhận trao đổi rộng rãi trên toàn thế giới, đóng vai trò quan trọng trong cả hệ thống kinh tế và tài chính.

Vàng được sử dụng làm phương tiện trao đổi (Medium of Exchange), giúp giao dịch diễn ra mà không cần đến hình thức trao đổi hàng hóa trực tiếp (Barter). Vàng được sử dụng để lưu giữ giá trị (Store of Value) tin cậy, giúp bảo toàn tài sản theo thời gian, đặc biệt trong các giai đoạn lạm phát hoặc bất ổn kinh tế.

Vàng đóng vai trò là đơn vị tính toán (Unit of Account), cung cấp một thước đo ổn định để định giá hàng hóa và dịch vụ, từ đó chuẩn hóa các giao dịch. Vàng được sử dụng làm tiêu chuẩn thanh toán sau (Standard of Deferred Payment), cho phép các bên thỏa thuận thanh toán trong tương lai dựa trên một giá trị ổn định. Không chỉ có chức năng tiền tệ, vàng còn là tài sản đầu tư an toàn (a safe-haven asset) phổ biến.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Nông nghiệp và Môi trường

 

 

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Tuấn Anh

 

 

Nhiều nhà đầu tư xem vàng như một kênh phòng ngừa lạm phát, biến động tiền tệ và bất ổn thị trường tài chính. Vàng có các ứng dụng công nghiệp nhờ đặc tính dẫn điện tốt, dễ uốn và không bị ăn mòn. Vàng được sử dụng nhiều trong ngành trang sức, điện tử cao cấp và thiết bị y tế. Vàng luôn giữ vững vị thế là một tài sản có giá trị trong cả bối cảnh truyền thống và hiện đại.

Vàng là tài sản phòng ngừa rủi ro, quản lý thị trường vàng minh bạch, hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ quản lý tài chính cá nhân, và là công cụ hỗ trợ chính sách tiền tệ và điều tiết kinh tế vĩ mô. Các quốc gia có ảnh hưởng lớn đến thị trường vàng thế giới đều xây dựng hệ thống quản lý đồng bộ, tận dụng vàng như một phần trong chiến lược tài chính quốc gia. Phân tích kinh nghiệm từ Trung Quốc, Ấn Độ và Thụy Sĩ mang lại những mô hình quản trị khác biệt, từ đó có thể rút ra những hàm ý phù hợp với bối cảnh và tiềm năng của Việt Nam.

Tại Trung Quốc, quản lý thị trường vàng được đặt trong một cấu trúc tập trung và chủ động. Nhà nước kiểm soát chặt chẽ toàn bộ chuỗi giá trị, từ khai thác, tinh luyện đến giao dịch và dự trữ. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đóng vai trò then chốt khi vừa là nhà điều tiết vừa là một trong những chủ thể tham gia thị trường. Các chính sách tích trữ vàng nhằm đa dạng hóa dự trữ ngoại hối đồng thời làm giảm rủi ro từ biến động của đồng đô la Mỹ. Hạ tầng giao dịch được phát triển mạnh với sự ra đời của Sàn Giao dịch Vàng Thượng Hải (SGE), tạo điều kiện cho nhà đầu tư nội địa tiếp cận trực tiếp với vàng vật chất dưới sự kiểm soát của nhà nước. Trung Quốc triển khai hệ thống kho lưu trữ đạt chuẩn quốc tế, đưa Thượng Hải trở thành điểm đến chính của các dòng vàng vật lý, qua đó tăng khả năng ảnh hưởng đến định giá toàn cầu. Sự chủ động và đồng bộ trong kiểm soát thị trường vàng giúp Trung Quốc bảo vệ được lợi ích tài chính quốc gia và củng cố vị thế trên thị trường kim loại quý quốc tế.

Kinh nghiệm của Ấn Độ cho thấy tầm quan trọng của chính sách điều tiết hành vi tiêu dùng và kiểm soát nhập khẩu. Ấn Độ là một trong những thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, nhưng lại phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung từ bên ngoài. Để giảm nhập siêu và tránh tình trạng vàng trở thành kênh đầu tư phi sản xuất, Chính phủ Ấn Độ thiết lập hệ thống thuế nhập khẩu nhằm điều chỉnh lượng vàng vào trong nước. Cơ chế thuế gián tiếp như GST ảnh hưởng đến giá bán cuối cùng và thay đổi hành vi mua sắm của người dân. Các cơ quan chức năng phân công nhiệm vụ giám sát riêng biệt nhưng có phối hợp chặt chẽ. Bên cạnh hoạt động điều tiết vật chất, Ấn Độ cũng phát triển mạnh các sàn giao dịch hàng hóa như MCX, qua đó cung cấp công cụ tài chính để nhà đầu tư tiếp cận thị trường vàng thông qua hình thức phi vật chất, giảm áp lực lên nguồn cung vật lý. Quản lý tỷ giá cũng được tích hợp vào cơ chế kiểm soát giá vàng nội địa, từ đó ổn định thị trường trong bối cảnh giá vàng quốc tế biến động.

Thụy Sĩ không sở hữu trữ lượng vàng lớn trong lòng đất, nhưng lại là quốc gia có tầm ảnh hưởng rất mạnh trong chuỗi giá trị toàn cầu nhờ vào hệ thống tinh luyện, lưu trữ và giao dịch chất lượng cao. Các nhà máy tinh luyện hàng đầu thế giới đều đặt trụ sở tại Thụy Sĩ, xử lý phần lớn lượng vàng tinh luyện toàn cầu. Hệ thống pháp lý của Thụy Sĩ yêu cầu mọi sản phẩm vàng phải được kiểm nghiệm, đóng dấu và xác minh nguồn gốc rõ ràng. Đây là nền tảng để Thụy Sĩ xây dựng một thị trường vàng minh bạch, tuân thủ chuẩn mực đạo đức quốc tế và là nơi trung chuyển quan trọng trong chuỗi cung ứng vàng toàn cầu. Thuế giá trị gia tăng bằng 0 đối với vàng đầu tư giúp thị trường vàng Thụy Sĩ hấp dẫn đối với giới đầu tư quốc tế. Cấu trúc minh bạch và hạ tầng kỹ thuật cao cấp đã biến Thụy Sĩ thành trung tâm kiểm định và lưu trữ vàng lớn nhất toàn cầu.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy có thể tiếp cận thị trường vàng theo nhiều hướng khác nhau. Trung Quốc ưu tiên kiểm soát tuyệt đối để phục vụ mục tiêu chiến lược. Ấn Độ tập trung điều tiết cung cầu nội địa thông qua các công cụ chính sách thuế. Thụy Sĩ phát triển hệ sinh thái minh bạch và hiện đại, hướng đến vai trò trung tâm toàn cầu.

Việt Nam đang từng bước hội nhập tài chính quốc tế, xây dựng một sàn giao dịch vàng quốc gia phục vụ nhu cầu nội địa và giúp Việt Nam trở thành cấu phần quan trọng trong tiến trình hình thành trung tâm tài chính quốc tế.

Giải pháp phát triển sàn giao dịch để quản lý thị trường vàng ở Việt Nam

Việt Nam có thể từng bước xây dựng một mô hình thị trường vàng minh bạch, hiệu quả và kết nối với thị trường quốc tế thông qua các giải pháp cụ thể.

Một là, cần hoàn thiện khung pháp lý về giao dịch vàng, đặc biệt là rà soát, sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP để cho phép đa dạng hóa chủ thể tham gia và hình thức giao dịch. Thiết lập cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các mô hình giao dịch vàng trực tuyến, vàng tài khoản, và hợp đồng tương lai sẽ là bước đi quan trọng để kiểm nghiệm chính sách mà không làm rủi ro hệ thống lan rộng.

Hai là, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc vàng, thiết kế theo mô hình kỹ thuật số, tích hợp với cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử, có khả năng kết nối liên thông giữa các cơ quan như ngân hàng, kho bạc, hải quan và cơ quan thuế. Mỗi lô vàng cần có mã định danh rõ ràng, từ đó giảm thiểu gian lận và nâng cao độ tin cậy trên thị trường.

Ba là, thực hiện chính sách thu hút vàng trong dân cư. Người dân nắm giữ vàng vật chất là hiện tượng phổ biến do truyền thống tích trữ vàng qua nhiều thế hệ và thói quen không lưu giữ hóa đơn khi giao dịch vàng. Vàng trong dân chưa được huy động và tận dụng hiệu quả để huy động vốn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và hình thành trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam. Các cơ chế như phát hành chứng chỉ vàng có lãi suất, cho phép gửi vàng tại ngân hàng với bảo hiểm nhà nước hoặc cho vay cầm cố vàng tài khoản sẽ giúp chuyển hóa lượng vàng nhàn rỗi thành nguồn lực tài chính có kiểm soát. Cần áp dụng chính sách thuế linh hoạt, miễn thuế đối với vàng đầu tư, vàng gửi tiết kiệm và vàng được truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Bốn là, thực hiện chính sách thuế linh hoạt để điều tiết thị trường giao dịch vàng vật chất thông qua thuế xuất, nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập khoán theo doanh thu. Điều chỉnh thuế xuất, nhập khẩu vàng để kiểm soát lượng vàng đầu cơ và không làm biến dạng giá thị trường là bài toán cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập khoán theo doanh thu cần được áp dụng đối với vàng giao dịch không vì mục đích tiết kiệm và đầu tư ngoài hệ thống ngân hàng, tài chính có đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Đối với vàng tiết kiệm, đầu tư, vàng được truy xuất nguồn gốc minh bạch, rõ ràng cần được miễn thuế và thực hiện miễn truy xuất lần đầu khi gửi vàng vào tiết kiệm để tạo điều kiện thuận lợi để hình thành thị trường vàng đầu tư minh bạch, hiện đại.

Năm là, đa dạng hóa dự trữ ngoại hối dưới hình thức vàng giúp Việt Nam giảm thiểu rủi ro từ biến động tỷ giá và tình trạng phụ thuộc quá mức vào một đồng tiền cụ thể. Khi thị trường vàng được vận hành minh bạch, ổn định, được hỗ trợ bởi thể chế rõ ràng và công nghệ hiện đại, vàng sẽ là một công cụ chính sách tiền tệ đáng tin cậy, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao uy tín quốc gia trên bản đồ tài chính quốc tế.

Sáu là, hình thành sở giao dịch vàng, cho phép giao dịch vàng qua tài khoản đối với vàng gửi tiết kiệm, đầu tư, nhằm giảm phụ thuộc vào vàng vật chất, đồng thời giúp nâng cao vai trò điều tiết của Ngân hàng Nhà nước. Khi giao dịch không cần giao nhận thực tế, nhà đầu tư có thể linh hoạt hơn trong chiến lược tài chính cá nhân. Hệ thống tài chính quốc gia có thể kiểm soát lượng cung ứng mà không cần điều chuyển vật chất. Đây là nền tảng để phát triển các công cụ phái sinh, từ đó hoàn thiện thị trường tài chính tổng thể.

Nghiên cứu, xây dựng và phát triển Sàn giao dịch vàng quốc gia tại Việt Nam là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh thị trường vàng còn tồn tại nhiều bất cập, thiếu minh bạch và tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế. Kiểm soát thị trường vàng vật chất hiện nay còn bị phân mảnh, thiếu liên kết giữa các cơ quan quản lý và chưa khai thác hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cư.

Thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia với mô hình hiện đại, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước sẽ góp phần ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, chống thất thoát tài sản quốc gia, đồng thời thúc đẩy thị trường vàng phát triển lành mạnh và bền vững. Từ kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thụy Sĩ, có thể thấy rằng một sàn giao dịch vàng hiệu quả phải đi đôi với hệ thống pháp lý rõ ràng, nền tảng công nghệ hiện đại, và chính sách tài chính, tiền tệ đồng bộ.

Việt Nam cần tận dụng cơ hội để huy động nguồn lực vàng trong dân cư, phát triển các sản phẩm vàng tài khoản, vàng số, cũng như tích hợp công nghệ truy xuất nguồn gốc, giúp thị trường minh bạch và hiệu quả hơn. Sàn giao dịch vàng quốc gia sẽ là một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường tài chính hiện đại và hội nhập, đóng góp tích cực vào mục tiêu xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành kinh tế năm 2005 tại Trường Đại học Tổng hợp Luân Đôn (Anh).

Hiện ông Nguyễn Đình Thọ là Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Trước đó, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt - Anh thành phố Hà Nội, Phó Hiệu trưởng, Đảng ủy viên, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế, Trưởng Bộ môn Phân tích và Đầu tư Tài chính Trường Đại học Ngoại Thương...

https://laodong.vn/kinh-doanh/san-giao-dich-vang-se-la-nen-tang-cho-phat-trien-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-o-viet-nam-1512382.ldo

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: