Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Al, robot, công nghệ 3D định hình lại ngành dệt may, thời trang
Yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu và trách nhiệm xã hội đang là những vấn đề cần phải giải quyết của ngành dệt may Việt Nam hiện nay. Do đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 3D, robot hóa vào sản xuất, giúp ngành dệt may Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Tích cực ứng dụng AI
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 (May 10) cho biết, sản phẩm chính của May 10 là sơmi, veston và quần âu. Mỗi tháng, công ty sản xuất trung bình khoảng 2 triệu sản phẩm - song May 10 vẫn chỉ là một mắt xích nhỏ trong chuỗi cung ứng thời trang thế giới.
Theo CEO May 10, để ngành dệt may, thời trang Việt Nam trở thành thị trường lớn trên toàn cầu, doanh nghiệp cần phải “đi tắt đón đầu”, trong đó cần tích cực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất là nhiệm vụ sống còn.
Hiện nay, May 10 đang áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác thiết kế, sản xuất, giúp nâng cao tính hội nhập của sản phẩm. Nếu như trước kia, công đoạn dây chuyền nước chảy hoặc dây chuyền cụm, May 10 phải cần từ 3-5 lao động thì hệ thống thiết bị mới đã giảm bớt số lao động thủ công tham gia tới một nửa, kéo theo năng suất tăng gấp đôi.
Khi May 10 áp dụng các phần mềm công nghệ thông tin, từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản trị thì thời gian sản xuất cho 1 sản phẩm đã giảm từ 1.980 giây xuống 1.200 giây và hiện nay còn 690 giây/1 sản phẩm.
Một điển hình trong công nghệ quản trị là ứng dụng sản xuất tinh gọn (Lean manufacturing) là một trong những phương pháp quản trị hiện đại nhằm tinh gọn hóa sản xuất, giảm thiểu lãng phí trong doanh nghiệp, gia tăng hiệu quả kinh doanh. Khi áp dụng mô hình Lean, năng suất lao động của May 10 tăng 52%, tỉ lệ hàng lỗi giảm 8%, giảm giờ làm 1 giờ/ngày, tăng thu nhập trên 10%, giảm chi phí sản xuất từ 5-10%/năm.
Về ứng dụng AI, ông Võ Thành Phước - Trưởng phòng phát triển sản phẩm tại Công ty Cổ phần Kết nối thời trang Faslink cho hay, trí tuệ nhân tạo chủ yếu được sử dụng trong thiết kế sản phẩm, giúp đội ngũ sáng tạo phát triển ý tưởng mới nhanh hơn thông qua phân tích và gợi ý các xu hướng thời trang, dự đoán về xu hướng màu sắc và thiết kế được yêu thích.
Tăng năng suất lao động - giảm nhân công nhờ ứng dụng AI
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết một trong những thành công nổi bật của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian gần đây là việc ứng dụng công nghệ hiện đại như robot và AI, công nghệ 3D vào quy trình sản xuất.
Theo ông Giang, robot hóa hiện đang được áp dụng trong nhiều công đoạn của chuỗi sản xuất. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang dần thay thế lao động thủ công bằng robot, đặc biệt trong các công đoạn như vận chuyển hàng hóa đến dây chuyền sản xuất, treo sản phẩm trên dây chuyền, kéo sợi...
“Việc sử dụng robot không chỉ giảm lao động thủ công mà còn tăng cường tính ổn định và hiệu quả của quá trình sản xuất” - ông Giang nhấn mạnh, đồng thời cho biết, trí tuệ nhân tạo AI ngày càng trở nên quan trọng trong việc phát triển các mẫu sản phẩm mới. AI giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ động hơn trong việc sáng tạo và sản xuất các mẫu.
Bên cạnh đó, AI cũng được ứng dụng trong quản lý hệ thống phần mềm, giúp tăng tính minh bạch và khả năng kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, từ sợi, dệt đến lưu trữ và vận chuyển hàng hóa.
PGS.TS Nông Ngọc Duy - Viện Nghiên cứu quốc gia của Úc (Trường Đại học Griffith) - cho hay, việc áp dụng những công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo có thể tăng năng suất sản xuất lên đến 55% và biên lợi nhuận lên đến 15%. Thị trường toàn cầu về tự động hóa trong ngành dệt may đang có sự tăng trưởng đáng kể, với dự báo sẽ tăng thêm 775,92 triệu USD vào năm 2028.
“Để tăng năng suất lao động và hiệu quả chuỗi cung ứng trong bối cảnh biến động toàn cầu, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ tiên tiến và tự động hóa, tăng cường quản lý chuỗi cung ứng qua các hệ thống kỹ thuật số và phân tích dữ liệu để dự báo nhu cầu và tối ưu hóa sản xuất. Đồng thời, đào tạo kỹ năng cho lao động, nhất là trong các quy trình công nghệ và kỹ thuật số, là yếu tố quan trọng để tăng cường năng suất và khả năng linh hoạt của chuỗi cung ứng” - ông Duy cho hay.
https://laodong.vn/kinh-doanh/al-robot-cong-nghe-3d-dinh-hinh-lai-nganh-det-may-thoi-trang-1435742.ldo
Cường Ngô (BÁO LAO ĐỘNG)