Thời sự
Cập nhật lúc 04:33 09/05/2025 (GMT+7)
Người dân Krông Nô học nghề đánh cồng chiêng để bảo tồn văn hóa dân tộc

Đắk Nông – Những lớp dạy cồng chiêng đã giúp người dân huyện Krông Nô gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống từ bao đời nay của dân tộc.

Người dân Krông Nô học nghề đánh cồng chiêng để bảo tồn văn hóa dân tộc
Nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng cho người trẻ ở huyện Krông Nô. Ảnh: Thanh Tuấn

Giữ cồng chiêng, giữ di sản văn hóa

Krông Nô là vùng đất giàu bản sắc văn hóa và là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như M’nông, Ê Đê, Mạ...

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những năm qua, huyện Krông Nô đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, dạy cồng chiêng và âm nhạc truyền thống cho người dân.

Ông Nguyễn Xuân Danh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô – cho biết, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Từ năm 2021 đến nay, chính quyền và người dân huyện Krông Nô đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị cồng chiêng, đặc biệt là thông qua các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Xuân Danh đánh giá cao tính hiệu quả của các lớp truyền dạy cồng chiêng. Ảnh: Thanh Tuấn
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Krông Nô Nguyễn Xuân Danh đánh giá cao tính hiệu quả của các lớp truyền dạy cồng chiêng. Ảnh: Thanh Tuấn

Trong đó, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Nô cùng các tổ chức đoàn thể đã tổ chức nhiều lớp dạy cồng chiêng vào buổi tối hoặc cuối tuần. Qua đó, thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia.

Một số lớp còn lồng ghép hoạt động sinh hoạt cộng đồng, thi biểu diễn cồng chiêng, tạo không khí vui tươi và gắn kết giữa các thế hệ trong buôn làng.

Những buổi biểu diễn không chỉ là cơ hội để các em thể hiện kỹ năng, mà còn là dịp để cộng đồng cùng nhau gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc. Các già làng, nghệ nhân dân gian là người trực tiếp giảng dạy, truyền lại những bài chiêng cổ, kỹ thuật đánh chiêng trong các nghi lễ truyền thống.

Cồng chiêng lưu giữ văn hóa từ bao đời của người dân Đắk Nông. Ảnh: Thanh Tuấn
Đánh cồng chiêng là nét đẹp văn hóa, lưu giữ từ bao đời nay của người dân ở huyện Krông Nô. Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Dương Thành Chung – Chủ tịch UBND xã Nâm Nung cho biết: “Các lớp dạy cồng chiêng không chỉ giúp kết nối cộng đồng mà còn thể hiện lòng biết ơn tổ tiên và thần linh. Đây là nét văn hóa cần được bảo tồn, phát huy, gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và đời sống cho người dân địa phương”.

Kết hợp cồng chiêng với phát triển du lịch cộng đồng

Theo UBND huyện Krông Nô, ngành văn hóa – thông tin thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể như dệt thổ cẩm của dân tộc Dao tại xã Nâm N’Đir; dân ca, cồng chiêng và phục dựng cây nêu của dân tộc M’nông tại xã Nâm Nung; chế tác nhạc cụ, đan lát của dân tộc Ê Đê tại xã Quảng Phú...

Nghệ nhân khơi dậy niềm đam mê cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Ảnh: Thanh Tuấn
Các nghệ nhân khơi dậy niềm đam mê cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Ảnh: Thanh Tuấn

Các lớp học này giúp người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống của cha ông. Từ đó nuôi dưỡng niềm tự hào và ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhiều xã như Đắk Drô, Nam Đà, Buôn Choáh… đã xây dựng được các mô hình hoạt động hiệu quả, trở thành điểm sáng trong công tác bảo tồn văn hóa.

Các lớp cồng chiêng còn góp phần quảng bá văn hóa bản địa đến du khách thông qua các lễ hội tại thôn, buôn. Du khách đến với Krông Nô được trực tiếp gặp gỡ các chủ nhân của di sản văn hóa, lắng nghe và thưởng thức những thanh âm cồng chiêng vang vọng núi rừng Tây Nguyên.

Các lớp học cồng chiêng luôn thu hút đông đảo học viên tham gia. Ảnh: Thanh Tuấn
Các lớp học cồng chiêng luôn đã thu hút đông đảo học viên tham gia. Ảnh: Thanh Tuấn

Thế nhưng, công tác bảo tồn hiện còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí mở lớp hạn chế và một bộ phận giới trẻ chưa thực sự quan tâm đến việc học cồng chiêng. Trong khi đó, nhiều nghệ nhân lớn tuổi dần mai một khả năng truyền dạy.

Một học viên tập đánh chiêng bằng đôi tay trần mạnh mẽ. Ảnh: Thanh Tuấn
Một học viên tập đánh chiêng bằng đôi tay trần mạnh mẽ. Ảnh: Thanh Tuấn

Theo UBND huyện Krông Nô, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đề xuất các chương trình hỗ trợ từ tỉnh và Trung ương nhằm nhân rộng mô hình dạy cồng chiêng, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng.

Cồng chiêng sẽ được đưa vào trường học và các lớp ngoại khóa, nơi các già làng, nghệ nhân uy tín sẽ truyền dạy cho học sinh dân tộc thiểu số. Qua đó, khơi dậy tinh thần yêu văn hóa và đam mê âm nhạc truyền thống trong đời sống tinh thần của các em.

https://laodong.vn/xa-hoi/nguoi-dan-krong-no-hoc-nghe-danh-cong-chieng-de-bao-ton-van-hoa-dan-toc-1503803.ldo

THANH TUẤN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: