Khuyến khích học sinh học nghề bằng chất lượng trường nghề, không nên phân luồng cơ học
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất hướng nên phát triển THPT nghề, khuyến khích cho học sinh học THPT nghề nhiều hơn.
Học nghề giúp học sinh, sinh viên sớm gia nhập thị trường lao động. Ảnh: Chân Phúc.
Ngày 10.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, 5 và 6.2025.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, trong bước bàn chính sách sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất hướng nên phát triển THPT nghề, khuyến khích cho học sinh học THPT nghề nhiều hơn.
Theo ông Vinh, nếu xử lý được từ chính sách này thì áp lực thi vào THPT giảm đi, áp lực kỳ thi giảm đi.
Chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học THPT nghề là một định hướng đúng đắn và tất yếu trong bối cảnh Việt Nam cần nguồn nhân lực kỹ thuật lành nghề, thích ứng nhanh với yêu cầu thị trường.
Tuy nhiên, chính sách này chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi việc học nghề trở thành một lựa chọn hấp dẫn, chứ không phải một sự phân chia cơ học theo kiểu “phân 40% đi học nghề” như mục tiêu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đặt ra.
Thực tế cho thấy, mục tiêu cứng nhắc về phân luồng như 40% học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề, không những gây áp lực cho học sinh và phụ huynh, mà còn dễ biến một chính sách tốt thành phản tác dụng.
Khi cơ sở hạ tầng của các trường nghề còn yếu, chương trình đào tạo thiếu cập nhật, đầu ra mờ mịt thì việc ép buộc học sinh chuyển hướng là không công bằng.
Hiện nhiều phụ huynh và học sinh cho rằng, lựa chọn học nghề là sự bất đắc dĩ, là lựa chọn cuối cùng khi thi rớt THPT.
Việc phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp là cần thiết để học sinh có nhiều lựa chọn hơn thay vì dồn vào một lối duy nhất là học văn hóa, thi đại học.
Nhưng để điều này xảy ra một cách tự nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng với các bộ ngành liên quan cần nâng cao chất lượng các trường nghề, từ đội ngũ giảng viên đến cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy và kỹ năng thực hành.
Các ngành nghề phải được cập nhật theo xu hướng thị trường, chú trọng vào công nghệ, sản xuất hiện đại, dịch vụ chuyên nghiệp.
Trường nghề cũng không thể tách rời thị trường lao động. Việc ký kết đào tạo theo đơn đặt hàng, cam kết việc làm sau tốt nghiệp là cách tốt nhất để học sinh và phụ huynh cảm thấy yên tâm.
Đặc biệt, cần thay đổi nhận thức xã hội để mọi người thấy rằng học nghề là một con đường sáng giá, không kém học đại học. Nhiều nước phát triển đã chứng minh rằng, hệ thống đào tạo nghề mạnh góp phần đưa nền kinh tế đi lên nhờ lực lượng lao động tay nghề cao.
Phân luồng, khuyến khích học sinh đi học THPT nghề phải là sự phân luồng bằng chất lượng đào tạo, bằng cam kết việc làm, bằng sự tự nguyện và niềm tin của xã hội, chứ không phải bằng mệnh lệnh hay tỷ lệ cơ học cứng nhắc.
Khi học nghề thực sự mang lại cơ hội, học sinh sẽ tự tin lựa chọn, phụ huynh sẽ sẵn sàng đồng hành và xã hội sẽ được hưởng lợi từ một lực lượng lao động vững tay nghề, đầy triển vọng.
https://laodong.vn/ban-doc/khuyen-khich-hoc-sinh-hoc-nghe-bang-chat-luong-truong-nghe-khong-nen-phan-luong-co-hoc-1538329.ldo
Hoàng Văn Minh (BÁO LAO ĐỘNG)