Khơi thông không gian phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam có gần 1 triệu doanh nghiệp và 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp khoảng 51% GDP và hơn 30% ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp nhiều rào cản trong mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Doanh nghiệp tư nhân cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển lớn mạnh. Ảnh: Ngọc Lê
Doanh nghiệp gặp khó về nguồn vốn và thủ tục
Tại Hà Nội, đại diện một doanh nghiệp sản xuất phân bón cho biết, khi nhu cầu thị trường nội địa đang có tín hiệu tích cực, doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất để đáp ứng, nhưng lại gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng.
“Chúng tôi muốn vay thêm vốn để đầu tư máy móc, mở rộng nhà xưởng nhưng tài sản đảm bảo không đủ, mà máy móc, thiết bị trong ngành phân bón lại khó được ngân hàng định giá, chấp nhận thế chấp” - vị đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Theo số liệu từ Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính), trong 2 tháng đầu năm 2025, có tới 67.034 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, phần lớn lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh ngắn hạn, chiếm tới 84,9%. Những con số này phản ánh rõ áp lực về vốn và khả năng duy trì hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất tại TPHCM cũng đang gặp rào cản trong việc tiếp cận mặt bằng mở rộng sản xuất, lãi suất và thủ tục hành chính. Ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Caosu Đức Minh - cho biết, doanh nghiệp tư nhân hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm quỹ đất để đầu tư, mở rộng sản xuất, trong khi chi phí mặt bằng tại TPHCM rất cao. Mặt bằng lãi suất dù đã hạ so với năm trước nhưng vẫn gây áp lực lớn.
Theo ông Quốc Anh: “Nhà nước nên có các chính sách kích cầu hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Nếu có thể hỗ trợ quỹ đất, nguồn vốn ưu đãi và lãi suất ổn định, doanh nghiệp sẽ có động lực hơn để mở rộng sản xuất, cải tiến công nghệ”.
Không chỉ dừng lại ở vấn đề vốn, mặt bằng, thủ tục hành chính cũng là rào cản lớn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - cho rằng, một trong những điểm nghẽn mà doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất hiện nay là quy trình thủ tục hành chính rườm rà. Ông Hòa phân tích, có những quy định thủ tục đã lỗi thời, không còn phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có đủ bộ máy nhân sự để đáp ứng yêu cầu thủ tục phức tạp, gây tốn chi phí và làm giảm hiệu quả hoạt động.
Cần khơi thông không gian phát triển cho doanh nghiệp nhỏ
Phân tích về thực trạng này, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nhận định, doanh nghiệp tư nhân chiếm số lượng đông đảo nhất, có những đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt tại TPHCM. Tuy nhiên, khu vực này vẫn bị cản trở bởi những điểm nghẽn lớn về cơ chế, vốn, mặt bằng và thủ tục hành chính.
Theo ông Thiên, TPHCM cần thiết phải tạo ra một cơ chế hoàn toàn mới, giúp cởi trói cho doanh nghiệp - động lực chính của sự phát triển.
“Thành phố cần khơi thông, mở ra không gian phát triển mới cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là những loại hình doanh nghiệp mới như doanh nghiệp số, doanh nghiệp khoa học - công nghệ… Muốn vậy, cần cải cách mạnh thủ tục hành chính, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp và hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất” - ông Thiên nhấn mạnh.
Ông cũng đề xuất, TPHCM cần có chính sách riêng để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, quỹ đất sản xuất. Cần chú trọng tư vấn quản trị, đào tạo nhân lực và kết nối thị trường để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
https://laodong.vn/kinh-doanh/khoi-thong-khong-gian-phat-trien-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-1480004.ldo
HẢI LAN - NGỌC LÊ (BÁO LAO ĐỘNG)