Thời sự
Cập nhật lúc 05:31 14/11/2024 (GMT+7)
Hà Nội phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy để giảm ô nhiễm

Ô nhiễm không khí khiến Hà Nội thiệt hại nhiều về kinh tế.

Hà Nội phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy để giảm ô nhiễm
Giao thông là nguồn gây ô nhiễm lớn của Hà Nội. Ảnh: Hữu Chánh

Ô nhiễm chính từ nguồn giao thông

Phát biểu tại Hội nghị Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam ngày 14.11, ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hà Nội cho biết, Hà Nội là một trong hai thành phố lớn nhất của Việt Nam. Với tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế và gia tăng dân số nhanh chóng, ô nhiễm không khí đang trở thành một trong những vấn đề cần ưu tiên giải quyết. Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1,1 triệu xe ô tô; 6,9 triệu xe máy, 10 khu công nghiệp; 70 cụm công nghiệp; 1370 làng nghề đang hoạt động. Đây là những hoạt động cần được chú ý, kiểm soát trong công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý chất lượng không khí của thành phố Hà Nội nói riêng.

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016-2020, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2018-2020 vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT (25 μg/m3). Nồng độ bụi PM10 trung bình năm vượt quá giới hạn QCVN từ 1,3 đến 1,6 lần. Số ngày trong năm 2019 có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức kém và xấu (tính trung bình các trạm) chiếm tỉ lệ 30,5% tổng số ngày quan trắc trong năm, một số ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng rất xấu (VN_AQI trên 200).

Theo ông Tấn, nhận định chung về chất lượng không khí Hà Nội và xu hướng thì bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm vượt QCVN 05:2013/BTNMT; gấp nhiều lần khuyến nghị của WHO.

Đến nay, thành phố Hà Nội chưa tiến hành kiểm kê tổng thể các nguồn phát thải vào không khí. Tuy nhiên, tổng hợp từ các nghiên cứu kiểm kê khác nhau của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới và các nghiên cứu khác cho thấy, về tỉ lệ đóng góp của các nguồn thải vào nồng độ bụi sơ cấp PM2.5 tại 11 điểm trên địa bàn Thủ đô, tùy vào từng điểm, mức độ đóng góp của các nguồn chiếm tỉ lệ khác nhau. Nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn có đóng góp mức cao nhất (từ 58% - 74%), tiếp đến là nguồn công nghiệp (từ 14% - 23%), nguồn nông nghiệp (từ 3,4% - 18,9%), nguồn dân sinh và nguồn đốt rác có mức đóng góp thấp nhất.

Ông Nguyễn Minh Tấn - PGĐ Sở TNMT Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đình Trung
Ông Nguyễn Minh Tấn - PGĐ Sở TNMT Hà Nội - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đình Trung

Thiệt hại 2.000 tỉ đồng/năm do ô nhiễm

Theo một số nghiên cứu, Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nội cho biết nhìn thấy mối liên quan giữa nồng độ bụi PM2.5 và sức khỏe của cộng đồng. Với sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch, và 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp. Chất lượng cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. Thiệt hại về kinh tế: Khoảng 20% thu nhập; 2.000 tỉ đồng/năm với 3,5 triệu dân nội thành (giai đoạn 2011-2015).

Về kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí Thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, ông Tấn cho biết, lộ trình đến năm 2025 tập trung các nhiệm vụ ưu tiên bao gồm hoàn thiện thể chế chính sách, kiểm kê nguồn thải, giảm phát thải từ các nguồn thải chính, ưu tiên các giải pháp ở các khu vực nội đô nơi tập trung nhiều dân cư, giao thông và phát triển kinh tế; thiết lập cơ chế cảnh báo và ứng phó với ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Ông Tấn cho hay, kế hoạch giảm phát thải từ nguồn giao thông của Hà Nội gồm: Giảm bụi đường, trong đó tăng cường công tác rửa đường; Giảm ùn tắc giao thông bằng cách điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý; Phân vùng giao thông và thu phí phân vùng; Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy; Xây dựng khu vực phát thải thấp, hạn chế phương tiện giao thông phát thải vượt mức cho phép; Đầu tư chuyển đổi phương tiện giao thông, khuyến khích phương tiện giao thông công cộng...

https://laodong.vn/moi-truong/ha-noi-phan-vung-han-che-hoat-dong-cua-xe-may-de-giam-o-nhiem-1421418.ldo

Nguyễn Hà (BÁO LAO ĐỘNG)

 
In
Về đầu
Lượt truy cập: