Thời sự
Cập nhật lúc 11:31 20/02/2025 (GMT+7)
Giáo viên xếp hàng chờ đăng ký kinh doanh dạy thêm

Sau khi Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14.2, nhiều giáo viên phải xếp hàng dài đăng ký kinh doanh và gặp khó trong quá trình hoàn thiện thủ tục.

Giáo viên xếp hàng chờ đăng ký kinh doanh dạy thêm
Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhiều giáo viên đến bộ phận một cửa UBND các quận để đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm. Ảnh: Phương Anh

Giáo viên đổ xô đăng ký kinh doanh dạy thêm

Điều 6, thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (gọi chung cơ sở dạy thêm) phải thực hiện yêu cầu đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Đây là lý do những ngày qua, nhiều giáo viên xếp hàng dài tại các bộ phận 1 cửa thuộc UBND các quận huyện trên địa bàn TP Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành để đăng ký kinh doanh.
Mặc dù đã chuẩn bị kỹ nhưng nhiều ngày qua, anh Nguyễn Hữu Bằng (giáo viên dạy Toán ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) chưa thể hoàn thiện hồ sơ của mình.

Tương tự, anh Phạm Văn Thắng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) (tên nhân vật thay đổi theo yêu cầu) cũng phải đến UBND quận nhiều lần để bổ sung các giấy tờ, hồ sơ mà chưa hoàn thành thủ tục đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm.

Anh Thắng hiện đang là giáo viên dạy Toán trên địa bàn quận Thanh Xuân. Từ trải nghiệm của bản thân, anh Thắng nhận xét, giấy kê khai đăng ký kinh doanh có 2 - 3 trang nhưng lại quá nhiều thông tin phải điền như vốn kinh doanh, thông tin đăng ký thuế... Ngoài thủ tục, hồ sơ, anh còn cần hoàn thiện các quy định liên quan như mặt bằng, phòng học, thuế, phòng cháy chữa cháy...

“Hiện tại, tôi đang chờ đến lượt để nộp lại hồ sơ theo yêu cầu của bộ phận một cửa từ hôm trước. Nếu không được, tôi sẽ liên hệ các giáo viên khác mà tôi quen, để hỏi về việc thuê luật sư hỗ trợ làm giấy tờ” - anh Thắng nói.

Cô Nguyễn Thùy Linh, 41 tuổi, giáo viên Tiếng Anh THCS trên địa bàn quận Hải An, Hải Phòng cũng than phiền và cho rằng, các quy định về đăng ký kinh doanh dạy thêm “rắc rối, khó hiểu”.

Trước kia, cô Linh mở 2 lớp dạy thêm tại nhà, quy mô khoảng 20 học sinh/lớp. Sau khi Thông tư 29 được ban hành, cô Linh tạm dừng các lớp dạy thêm để tìm hiểu các quy định, thủ tục đăng ký kinh doanh. Giáo viên này cho rằng, khó khăn lớn của cô và nhiều đồng nghiệp khi muốn mở hộ kinh doanh dạy thêm liên quan đến quy định về người có quyền thành lập và điều hành, quản lý doanh nghiệp.

“Theo dõi các diễn đàn trao đổi về giáo dục, tôi mới biết giáo viên các trường công lập không thể đứng tên hộ kinh doanh cũng như điều hành trung tâm. Như vậy, thực tế giáo viên như tôi không thể tự mình đăng ký mà buộc phải liên kết với cá nhân, tổ chức khác đứng ra mở và sẽ chỉ được dạy trên danh nghĩa hợp đồng” - cô Thùy Linh trăn trở.

Vì quá nhiều thủ tục rắc rối và khó tiếp cận, sau cùng, cô Linh quyết định ký kết hợp đồng với một trung tâm đã hoạt động trên địa bàn từ trước. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa cô phải khấu trừ 30% tiền dạy cho trung tâm.

Các quy định để quản lý tốt hơn hoạt động dạy thêm, học thêm

Về phía Bộ GDĐT, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm, Bộ ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT nhằm quản lý tốt hơn các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ không cấm, không siết hoạt động này.

Về trách nhiệm triển khai Thông tư 29, Bộ GDĐT cho biết, sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình từ các địa phương để có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tiếp theo, qua đó, giúp các Sở GDĐT có căn cứ tham mưu và chỉ đạo thực hiện tại địa phương.

Theo Bộ GDĐT, trách nhiệm của các nhà trường và giáo viên là dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra. Với những học sinh có kết quả chưa đạt, đang chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường, giáo viên cần có trách nhiệm bổ trợ cho các em.

Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh và xã hội cần đồng hành với nhà trường để thực hiện việc giáo dục, đảm bảo kết hợp hài hòa cả ba yếu tố trong giáo dục (nhà trường, gia đình và xã hội); tham gia giám sát việc thực hiện Thông tư 29.

Ngày 19.2, đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch UBND TP Vinh cho biết: “Sau khi Bộ GDĐT ban hành Thông tư 29.2024 quy định việc dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh, số lượng người đến nộp hồ sơ thành lập hộ kinh doanh tăng đột biến, đến nay đã có khoảng 300 hồ sơ” - .

Sở GDĐT tỉnh Nghệ An yêu cầu các trường rà soát định mức giờ dạy, bố trí giáo viên ôn thi tốt nghiệp miễn phí theo nguyện vọng phụ huynh. Giáo viên dạy vượt giờ sẽ được hỗ trợ kinh phí theo quy định. Công tác ôn thi được chú trọng nhằm giúp học sinh đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào lớp 10.

QUANG ĐẠI

https://laodong.vn/giao-duc/giao-vien-xep-hang-cho-dang-ky-kinh-doanh-day-them-1465853.ldo

Nhóm PV (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: