Giáo viên vùng cao ở Đắk Nông kỳ vọng về lương ở Dự thảo Luật Nhà giáo mới
Đắk Nông - Dự thảo Luật Nhà giáo với đề xuất tăng lương đang được giáo viên vùng sâu, vùng xa kỳ vọng mức đãi ngộ xứng đáng và cũng nhằm giữ chân người giỏi.
Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Nông đang có hơn 11.000 giáo viên các cấp. Ảnh: Phan Tuấn
Dự thảo chính sách mới
Dự thảo Luật Nhà giáo đang được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 9. Trong đó, có đề xuất xếp lương giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp.
Ngoài mức lương cơ bản, giáo viên còn được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, vùng miền. Việc này nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động trong lĩnh vực giáo dục.
Tại Đắk Nông, đang có hơn 11.000 giáo viên các cấp. Các giáo viên ở Đắk Nông cho rằng, Dự thảo Luật Nhà giáo không chỉ đơn thuần là văn bản pháp lý mới mà còn là niềm tin và kỳ vọng về một sự thay đổi thực sự về điều kiện làm việc, đời sống cho người đứng lớp.
Chính sách lương mới và các chế độ ưu đãi nếu được luật hóa sẽ góp phần giữ chân giáo viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới. Đây là những địa bàn khó khăn, thời gian qua luôn trong tình trạng thiếu hụt giáo viên trầm trọng.
Chính sách mới cũng là một trong những giải pháp trụ cột để thực hiện thành công mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo mà Đảng, Nhà nước đang hướng đến.
Ông Nguyễn Thế Hiệt - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lê Hữu Trác (ở xã vùng sâu Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) - cho rằng, động lực nghề nghiệp đến từ niềm đam mê và từ sự bảo đảm về đời sống.
"Nếu Dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua, mức lương cơ bản được cải thiện, giáo viên yên tâm gắn bó với trường lớp. Từ đó, giáo viên dành nhiều thời gian hơn cho chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy” - ông Nguyễn Thế Hiệt cho biết thêm.
Niềm tin và kỳ vọng về một sự thay đổi
Ghi nhận thực tế cho thấy, tại nhiều điểm trường vùng sâu, vùng xa ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông như: Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song... đang có rất nhiều thầy, cô giáo mỗi ngày phải đi hàng chục km đường đồi núi, vượt suối, vượt đèo để đến lớp.
Điều đáng nói, cũng có rất nhiều giáo viên gắn bó cả đời với sự nghiệp gieo chữ nơi vùng cao nhưng đời sống còn rất khó khăn. Việc tăng lương, thêm phụ cấp vùng miền chính là sự ghi nhận công bằng cho những nỗ lực thầm lặng của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Cô giáo Nguyễn Thị Phụng - giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn ở xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil - cho rằng: “Nếu chính sách tăng lương được luật hóa thì đời sống giáo viên sẽ bớt chật vật hơn. Từ đó, giáo viên yên tâm đứng lớp, tận tâm hơn với học trò”.
“Ở vùng khó khăn, huyện nghèo như Đắk Glong, giáo viên vẫn phải kiêm nhiều vai trò, từ giảng dạy đến quản lý, hỗ trợ đời sống cho học sinh. Nếu Luật Nhà giáo được ban hành, tôi tin rằng chính sách đãi ngộ và điều kiện công tác được cải thiện tốt hơn” - bà Đinh Thị Hằng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong, chia sẻ.
Theo ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, việc thu hút, giữ chân và phát triển đội ngũ giáo viên có chuyên môn vững là chìa khóa then chốt để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đề xuất tăng lương lần này mang ý nghĩa động viên về vật chất và là cam kết lâu dài của Nhà nước trong việc bảo đảm đời sống. Qua đó, tạo sự yên tâm cho giáo viên, đặc biệt với những thầy cô đang bám trụ vùng sâu, vùng xa.
"Khi chính sách lương đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, ngành Giáo dục sẽ có cơ sở vững chắc để nâng cao chất lượng toàn diện" - ông Phan Thanh Hải nói.
https://laodong.vn/giao-duc/giao-vien-vung-cao-o-dak-nong-ky-vong-ve-luong-o-du-thao-luat-nha-giao-moi-1505350.ldo
PHAN TUẤN (BÁO LAO ĐỘNG)