Gắn sắp xếp tổ chức bộ máy với nâng cao chất lượng cán bộ
Tinh gọn bộ máy là chủ trương lớn đang được triển khai quyết liệt, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính. Đây không chỉ là việc sắp xếp lại tổ chức mà còn là đánh giá, lựa chọn đúng cán bộ.
Tinh gọn bộ máy, lựa chọn cán bộ “đúng, trúng”, trách nhiệm
Đến nay, 30/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã trình phương án sắp xếp tổ chức bộ máy và báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ về “Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” ngày 2.1, cho biết, đến nay đã thống nhất phương án hợp nhất, sáp nhập các bộ ngành, cơ quan và các cơ quan hoàn thành phương án tinh gọn bộ máy bên trong để trình Chính phủ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; cần tiếp tục rà soát chính sách để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, với những vấn đề đặc thù thì cần rà soát, tổng hợp trên cả nước, đánh giá tác động để xây dựng, đề xuất một số chính sách phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, trong đó khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý tài sản công để có căn cứ xử lý vấn đề về tài sản công trong quá trình sắp xếp.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, trong rất nhiều khó khăn và trở ngại thì khó nhất đó là việc lựa chọn, sắp xếp, bố trí cán bộ của những đơn vị mới. Vì vậy, cần đánh giá và lựa chọn đúng cán bộ trong tinh gọn bộ máy; loại bỏ được người lười biếng trong bộ máy, thu hút người tài cho nền hành chính công.
Đại biểu Việt Nga cho rằng, lãnh đạo các địa phương, đơn vị được sáp nhập, sắp xếp, tinh gọn và cấp có thẩm quyền cần quan tâm lắng nghe tâm tư, xem xét nguyện vọng của cán bộ, đồng thời đánh giá cán bộ đảm bảo công tâm, công khai, khách quan, minh bạch để lựa chọn, bố trí cán bộ ở các đơn vị, địa phương mới đảm bảo đúng người, đúng việc theo đúng phương châm “vì việc mà bố trí người”.
Đây cũng là dịp để các cơ quan, đơn vị thực hiện tinh giản đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, một mặt giải quyết chế độ, chính sách đối với những người tự nguyện xin nghỉ và giữ lại những người có phẩm chất, năng lực tốt...
Minh bạch, công khai trong chọn cán bộ ở lại bộ máy Nhà nước
TS Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội - nêu rõ, chọn lựa người đi hay ở cần căn cứ vào đánh giá cán bộ, công chức, viên chức rõ ràng, minh bạch, công tâm, dựa trên bằng chứng thực tiễn, cơ sở dữ liệu, thông tin thực tế, chứ không được cảm tính. Trong đó có thể tính đến phương án thành lập Hội đồng đánh giá độc lập để đảm bảo tính khách quan, công bằng, hạn chế tối đa việc đưa ra khỏi bộ máy những người thực sự có tâm huyết, trình độ.
Theo đại biểu, phải đánh giá nhu cầu của cơ quan, tổ chức mới sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy để xem xét kỹ lưỡng, có cái nhìn tổng thể về số lượng, chất lượng và cơ cấu nhân sự hiện tại. Trên cơ sở đó, đánh giá và phân loại nhân sự toàn diện với những tiêu chí rõ ràng dựa trên hiệu suất, kỹ năng và khả năng đóng góp của từng người cụ thể. Từ đó xác định những người có thể tiếp tục làm việc và những người cần được sắp xếp, tinh giản.
Với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện dôi dư, ông Nghĩa bày tỏ quan điểm đồng tình cần có chính sách hỗ trợ “vượt trội, đủ mạnh”.
https://laodong.vn/thoi-su/gan-sap-xep-to-chuc-bo-may-voi-nang-cao-chat-luong-can-bo-1445064.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)