Theo Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập CEBR (Anh), năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 4.783 USD, tăng đáng kể so với mức 4.469 USD của năm 2024, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao. Dự kiến, Việt Nam sẽ xếp thứ 124 thế giới về thu nhập bình quân đầu người, đánh dấu bước tiến trong cải thiện đời sống người dân.
Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều dự báo triển vọng tăng trưởng tích cực cho Việt Nam. Theo ADB, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 có thể đạt 6,6%, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất, thương mại và các biện pháp tài khóa hỗ trợ. Tương tự, WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,5% trong năm 2025.
Tại báo cáo chiến lược năm 2025 của Công ty Chứng khoán MB (MBS) đã chỉ ra 6 yếu tố chính định hình triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm nay, gồm: Sản xuất tăng tốc và xuất khẩu phát triển; giải ngân vốn đầu tư công; lạm phát vẫn dưới mức mục tiêu (4,5%); triển vọng phục hồi của Trung Quốc; cân bằng chính sách tiền tệ...
Theo đó, MBS dự báo xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng 9-10% trong năm 2025 nhờ thương mại toàn cầu sôi động và các hiệp định khu vực; giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 sẽ đạt khoảng 85-90% kế hoạch, tăng trưởng từ 24-31% so với năm 2024, với sự thúc đẩy từ các dự án lớn và cải thiện cơ chế phân bổ vốn.
Seasia Stats - trang thống kê uy tín về các nước Đông Nam Á - dự báo, nền kinh tế Việt Nam năm 2025 đứng thứ 12 châu Á, với quy mô nền kinh tế dự kiến sẽ đạt khoảng 506 tỉ USD. Việt Nam được đánh giá là một trong những cường quốc sản xuất và thương mại. Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong sản xuất và điện tử. Các hiệp định thương mại và vị trí chiến lược của Việt Nam củng cố sự hội nhập kinh tế toàn cầu.
Tại công điện số 137/CĐ-TTg về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 ban hành ngày 20.12.2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và người đứng đầu các địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các kết luận, nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt hơn 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao).
https://laodong.vn/kinh-doanh/du-bao-bat-ngo-ve-tang-truong-gdp-nam-2025-cua-viet-nam-1445510.ldo