Dự báo bất ngờ về nền kinh tế toàn cầu năm 2025
Với mức định giá nền thấp cùng tiềm năng nâng hạng thị trường, nền kinh tế Việt Nam hứa hẹn là mảnh đất màu mỡ thu hút dòng vốn khối ngoại.
Với chủ đề “Vững vàng vượt sóng gió", Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank đã tổ chức hội thảo VPBankS Talk 4 thu hút sự tham gia của các chuyên gia uy tín, đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực vĩ mô, ngân hàng.
Bức tranh kinh tế năm 2024: Một năm không mấy "dễ dàng"
Trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động với hàng loạt diễn biến khó lường như căng thẳng địa chính trị leo thang, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bất ngờ hạ lãi suất lần đầu sau 4 năm và cuộc đua vào Nhà trắng đầy kịch tính, những yếu tố đó đã góp phần tạo nên một môi trường đầu tư nhiều thách thức, đặc biệt đối với các nhà đầu tư ngắn hạn.
Bên cạnh yếu tố kinh tế, ông Vũ Hữu Điền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) chỉ ra những tín hiệu lạc quan về kinh tế vĩ mô khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể kỳ vọng vào diễn biến thị trường trong năm 2025. Trong đó, GDP quý 3/2024 tăng 7,1% và dự kiến cả năm đạt mức tăng trưởng khoảng 7%. Bên cạnh đó, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) duy trì trên 50 điểm trong những tháng gần đây, cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế. Lợi nhuận của các công ty niêm yết trong 9 tháng đầu năm cũng tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kỳ.
Hướng tới năm 2025 đầy "khởi sắc"
Về triển vọng kinh tế, đối với năm 2025, các chuyên gia dự đoán nền kinh tế Việt Nam có thể đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, tuy nhiên, có không ít cơ hội, lợi thế đặt ra trước mắt. Đặc biệt, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế mở, phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), điều này có thể bị ảnh hưởng bởi những biến động từ các nền kinh tế lớn cũng như các thị trường mới nổi. Theo đó, các chuyên gia dự báo GDP của Việt Nam năm 2025 sẽ dao động trong khoảng từ 6,6-6,8%.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định: "Việc ông Donald Trump quay trở lại Nhà trắng cùng chính sách thuế quan 2.0 diễn ra trong giai đoạn 2025-2028 không chỉ đơn thuần là vấn đề thương mại mà còn có sự lồng ghép các yếu tố chính trị, xã hội. Vị Tổng thống Mỹ thứ 47 sẽ dùng chính sách thuế quan và "vũ khí hoá" chính sách này để đạt được những thoả thuận có lợi cho Hoa Kỳ. Khi ấy, tỷ giá sẽ là yếu tố bị ảnh hưởng đầu tiên".
Về triển vọng thị trường chứng khoán trong nước, sau khi trải qua giai đoạn đáy, thị trường chứng khoán đang trong “giai đoạn phản ứng” và dự báo có những bước “rung lắc” cuối năm 2024, đầu năm 2025. Đây được xem là giai đoạn tạo ra "vùng tích lũy mới” mang tính lịch sử, kỳ vọng là con sóng nâng hạng thị trường trong giai đoạn 2025.
PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU), Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) thì cho rằng: "Việc nâng hạng thị trường chỉ là một điều kiện, chất xúc tác thu hút vốn, bên cạnh tăng trưởng kinh tế ổn định. Yếu tố quan trọng là mặt bằng lãi suất, đặc biệt là chính sách lãi suất của Mỹ. Nếu lãi suất Mỹ giảm mạnh, dòng vốn sẽ chảy vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam".
https://laodong.vn/kinh-doanh/du-bao-bat-ngo-ve-nen-kinh-te-toan-cau-nam-2025-1436176.ldo
Linh Phương (BÁO LAO ĐỘNG)