Thời sự
Cập nhật lúc 08:17 12/07/2025 (GMT+7)
Đồng loạt ra quân giải phóng mặt bằng các tuyến đường sắt chiến lược

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu tổ chức lễ khởi công đồng loạt giải phóng mặt bằng 2 dự án đường sắt lớn đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam và tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào đúng ngày 19.8.2025. Để chạy đua với thời gian, nhiều địa phương đã có những bước triển khai tích cực.

Đồng loạt ra quân giải phóng mặt bằng các tuyến đường sắt chiến lược
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến sẽ được khởi công trước ngày 31.12.2026 đòi hỏi các địa phương tăng tốc giải phóng mặt bằng. Đồ họa: TKTS

Đột phá: tách GPMB thành dự án riêng

Hà Tĩnh là địa phương có hơn 100km của Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ông Lê Anh Sơn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, địa phương phải thu hồi, bồi thường diện tích gần 765ha đất các loại. Trong đó, có khoảng 84,3ha đất ở. Cùng với đó, dự kiến phải xây dựng 35 khu tái định cư để di dời 1.314 hộ dân đến nơi ở mới.

Để hoàn thành các thủ tục, đủ điều kiện làm lễ khởi công vào ngày 19.8 theo yêu cầu của Chính phủ, Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh thống nhất đề xuất lựa chọn địa điểm tại thôn Liên Vinh (xã Thạch Đài cũ), phường Hà Huy Tập. Đây là khu tái định cư có quy mô dự kiến khoảng 6ha.

Tại Nghệ An, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam qua Nghệ An dài 85,5km, ảnh hưởng đến hơn 2.150 hộ dân. Tỉnh dự kiến xây dựng 30 khu tái định cư với tổng diện tích hơn 102ha, trong đó ưu tiên 3 khu đã “sẵn sàng” về quỹ đất và hạ tầng.

Báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng Nghệ An, tổng số có 2.150 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, 1.942 hộ dân sẽ được bố trí tái định cư. Tỉnh Nghệ An dự kiến xây dựng 30 khu tái định cư với tổng diện tích hơn 102ha, kinh phí khoảng 1.450 tỉ đồng để đáp ứng nhu cầu nhà ở mới cho người dân.

Ba vị trí được ưu tiên triển khai sớm gồm: Phường Hoàng Mai (8ha, 200 hộ, kinh phí 100 tỉ đồng), xã Tân Châu (1,5ha, 30 hộ, 18 tỉ đồng) và xã Hưng Nguyên Nam (5ha, 145 hộ, 60 tỉ đồng). Các vị trí này được đánh giá có quỹ đất sạch, thuận lợi kết nối hạ tầng và ít vướng mắc GPMB.

Tại Hà Nội, UBND thành phố cũng mới ban hành kế hoạch GPMB các dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (đoạn qua địa bàn thành phố).

Theo kế hoạch, UBND các xã Đại Xuyên, Phượng Dực, Chuyên Mỹ, Thường Tín, Thượng Phúc, Ngọc Hồi, Tiến Thắng, Quang Minh, Thư Lâm, Phúc Thịnh, Đông Anh, Phù Đổng, Thuận An trực tiếp bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong phạm vi hành chính địa phương quản lý; phối hợp chuẩn bị hồ sơ, phương án, kế hoạch chi tiết để GPMB đúng tiến độ.

Quốc hội đã thống nhất tách giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án riêng đối với đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Theo Bộ Xây dựng, dự án đi qua 20 tỉnh, thành với nhu cầu sử dụng khoảng 11.000ha đất, 121.000 người cần tái định cư, nên GPMB là thách thức lớn. Việc tách riêng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ GPMB và tái định cư.

Phải bàn giao mặt bằng trong năm 2026: Khó vẫn phải làm

Các chuyên gia ngành giao thông đánh giá, trước đây, theo quy định pháp luật, phải phê duyệt dự án xong thì mới xác định được phạm vi GPMB, cắm mốc bàn giao cho địa phương, sau đó địa phương mới triển khai thực hiện. Điều này dẫn đến việc có khoảng 70% nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ các dự án là do công tác GPMB. Thời gian GPMB nếu theo quy định cũ cũng phải mất từ 5-7 năm đối với dự án lớn như đường sắt cao tốc

Với Nghị quyết của Quốc hội và quyết tâm của Chính phủ, việc GPMB phải hoàn thành trong năm 2026, tức là rút ngắn xuống chỉ còn 2 năm so với 5-7 năm như tính toán ban đầu.

“Phải chủ động khảo sát địa chất, xây dựng hướng tuyến, không trông chờ” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị trực tuyến phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt hôm 9.7.

Theo tính toán, với tuyến đường sắt tốc độ cao, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam sẽ rút ngắn xuống còn chưa đầy 10 tiếng, thay vì 2-3 ngày như hiện nay. Tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ là hành lang logistics xuyên Á, nối trực tiếp cửa khẩu biên giới với cảng biển lớn nhất miền Bắc - yếu tố sống còn cho xuất nhập khẩu.

Các tuyến đường sắt hiện đại đang tạo ra nền tảng để quy hoạch lại các đô thị vệ tinh, đô thị gắn kết hạ tầng giao thông (TOD). Ga Vinh (Nghệ An), ga Đông Anh (Hà Nội), ga Lào Cai… sẽ không chỉ là nơi dừng chân của đoàn tàu, mà trở thành tâm điểm phát triển thương mại - dịch vụ - logistics, thay đổi diện mạo của hàng loạt vùng ven vốn chậm phát triển. Đây cũng là cơ hội vàng để hút vốn đầu tư tư nhân, tạo hàng trăm nghìn việc làm mới cho lao động địa phương, phát triển kỹ năng và dịch vụ phụ trợ đi kèm.

Các địa phương đồng loạt triển khai kế hoạch

l Ngày 11.7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Trưởng Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng các dự án: Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Hà Nội.

Cuộc họp nhằm rà soát tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng của hai dự án trọng điểm, đồng thời chỉ đạo các bước tiếp theo để bảo đảm đúng tiến độ và quy định pháp luật.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu lãnh đạo các xã tham dự họp báo cáo với Thường trực Đảng ủy xã để bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo. Theo ông Trần Sỹ Thanh, Bí thư Đảng ủy xã phải là Trưởng Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng của xã nhằm bảo đảm vai trò chỉ đạo, điều hành sát sao, hiệu quả đối với các dự án trọng điểm.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, các xã liên quan cần chủ động và trong tuần tới phải “chốt” xong vị trí tái định cư trên địa bàn.

l Ngày 28.6.2025, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, tiến độ hoàn thành xây dựng các khu tái định cư chậm nhất là tháng 9.2026; cơ bản hoàn thành, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng trước tháng 12.2026 yêu cầu của Chính phủ.

l Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua địa bàn Hải Phòng có tổng chiều dài tuyến là 48,92km, đi qua các quận, huyện (cũ): An Lão, Kiến Thụy, Dương Kinh, Đồ Sơn, Hải An, Cát Hải với diện tích đất dự kiến thu hồi là 405,9ha. UBND TP Hải Phòng yêu cầu bảo đảm hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 8.2025.

l Lào Cai đang tập trung cao độ cho công tác GPMB tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài hơn 143km đi qua địa bàn. Dự kiến, 5.181 hộ dân và 104 doanh nghiệp trong khu/cụm công nghiệp phải di dời, với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lên đến hơn 8.229 tỉ đồng. Lào Cai đã hoàn tất đo đạc toàn tuyến, thống kê hơn 1.100 hộ, xây dựng kế hoạch 45 khu tái định cư.

https://laodong.vn/xa-hoi/dong-loat-ra-quan-giai-phong-mat-bang-cac-tuyen-duong-sat-chien-luoc-1538745.ldo

Trần Tuấn - Minh Nguyên (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: