Đối mặt mức thuế 46% của Mỹ, doanh nghiệp Việt cần tập trung đầu tư sản phẩm đạt chuẩn ESG
TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Báo Lao Động về mức thuế mới Mỹ áp với Việt Nam.
TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện đàm phán song phương để Mỹ xem xét lại mức áp thuế. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về mức thuế 46% Mỹ áp dụng đối với 90% hàng hóa của Việt Nam?
- Mức thuế này quá cao và bất ngờ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu mà còn ảnh hưởng không hề nhỏ đối với nền kinh tế của Việt Nam.
Mức thuế cao sẽ làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nông thủy sản, ngành gỗ, dệt may, giày dép và điện tử… vốn là những ngành hàng chủ lực trong xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nhiều doanh nghiệp có thể phải đối mặt với nguy cơ giảm đơn hàng do giá thành tăng, dẫn đến khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ bị suy giảm. Khi chi phí sản xuất gia tăng, lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến việc thu hẹp sản xuất, từ đó cắt giảm lao động.
Bên cạnh đó, mức thuế mới cũng đặt ra thách thức lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư có thể phân vân khi quyết định rót vốn vào các ngành công nghiệp nhạy cảm với thuế quan ở Việt Nam. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, việc mất đi nguồn vốn đầu tư sẽ làm giảm khả năng phát triển bền vững của nền kinh tế.
Việt Nam cần nhanh chóng ứng phó như thế nào đối với chính sách thuế mới này của Mỹ, thưa ông?
- Việc chúng ta cần nhanh chóng thực hiện là đàm phán song phương với phía Mỹ để họ xem xét lại mức thuế. Cần chứng minh được Việt Nam không có hành vi thương mại không công bằng với những bằng chứng cụ thể. Thực tế, thời gian qua Việt Nam cũng đã có những bước ngoại giao tốt khi khẳng định thiện chí thông qua rất nhiều chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ. Đây chính là cơ sở nền tảng để Việt Nam khẩn cấp tiến hành đàm phán để Mỹ xem xét lại mức thuế.
Đối với các doanh nghiệp trong nước, Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ để doanh nghiệp thích ứng trước tác động của mức thuế của Mỹ. Đơn cử như giảm thuế, phí cho doanh nghiệp xuất khẩu để bù đắp một phần tác động từ thuế của Mỹ. Hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ có vốn duy trì các hoạt động trong giai đoạn khó khăn, đặc biệt là những doanh nghiệp gắn với xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp.
Về chính sách hỗ trợ tài chính, có thể xây dựng ngay một gói ưu đãi cấp tín dụng khoảng vài trăm nghìn tỉ đồng cho các doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng. Giảm áp lực cho doanh nghiệp bằng cách gia hạn thời gian trả nợ ngân hàng cho doanh nghiệp bị giảm đơn hàng.
Ngoài ra, tăng cường hạn mức bảo lãnh tín dụng thông qua ngân hàng phát triển, quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV, các quỹ bảo lãnh tín dụng, để các doanh nghiệp nhỏ vừa trong lĩnh vực xuất khẩu tiếp cận vốn dễ dàng. Với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng có thể được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm nay để chờ đàm phán của Chính phủ. Tuy nhiên, cần xây dựng những tiêu chí cụ thể đối với các doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, đẩy nhanh quá trình hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Việc rút ngắn thời gian hoàn thuế góp phần giúp doanh nghiệp tăng dòng tiền lưu động.
Về dài hạn chúng ta cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã kí với nhiều quốc gia để các doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp chuyển dịch sang thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.... để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ nhiều như hiện nay. Bộ Công Thương có thể hỗ trợ các chi phí tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế ở các thị trường, quốc gia chúng ta đã ký FTA để kết nối doanh nghiệp với đối tác nước ngoài.
Chúng ta cũng cần một chương trình cụ thể để xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam, nâng cao độ nhận diện sản phẩm Việt Nam tại thị trường quốc tế giúp cho doanh nghiệp dễ tiếp cận thị trường mới.
Ông có khuyến nghị gì đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay, đặc biệt đối với các ngành hàng chịu mức thuế cao như hải sản, ngành gỗ, dệt may?
- Doanh nghiệp cần chủ động hợp tác và làm việc với các cơ quan Nhà nước để được hỗ trợ kịp thời về thông tin liên quan đến chính sách thuế, những ưu đãi có thể có hoặc các biện pháp hỗ trợ khác mà Chính phủ có thể cung cấp.
Một trong những cách hiệu quả để giảm tác động của thuế là cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng giá trị gia tăng. Doanh nghiệp cần tìm kiếm cơ hội tham gia vào các hiệp định thương mại tự do nhằm mở rộng thị trường và giảm bớt mức thuế áp dụng. Đây không chỉ là lựa chọn mà là sự bắt buộc để có thể tồn tại.
Để tăng khả năng cạnh tranh và giảm chi phí sản xuất, doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ hiện đại và tự động hóa trong quy trình sản xuất. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao năng suất, từ đó giảm thiểu tác động của mức thuế mới.
Tuy nhiên, nói như thế không phải doanh nghiệp từ bỏ thị trường Mỹ vì đây là thị trường có quy mô lớn và tiềm năng. Doanh nghiệp nên tìm nhiều cách để tiếp cận thị trường này. Ví dụ như chuyển đổi số và thương mại điện tử sẽ là công cụ để doanh nghiệp tiếp cận cũng như thu hút trực tiếp khách hàng từ Mỹ và các quốc gia khác. Tập trung đầu tư vào sản phẩm xanh, sạch để nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa của mình. Đây là xu hướng mà tất cả các quốc gia, trong đó có Mỹ ngày càng phải ưu tiên với sản phẩm có chứng chỉ xanh đạt tiêu chuẩn ESG.
Vấn đề đặt ra bây giờ cho doanh nghiệp không phải làm thế nào để thay đổi họ mà phải có tư duy làm sao để thích nghi và tận dụng cơ hội từ “công thức thuế” khó khăn, thách thức này của Mỹ để phát triển.
Xin cảm ơn ông!
https://laodong.vn/kinh-doanh/doi-mat-muc-thue-46-cua-my-doanh-nghiep-viet-can-tap-trung-dau-tu-san-pham-dat-chuan-esg-1486209.ldo
Tuyết Lan (BÁO LAO ĐỘNG)