Doanh nghiệp mong có thêm nhiều phương án vay vốn tín dụng
Đắk Lắk - Các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất một số phương án để có thể vay vốn tín dụng phát triển sản xuất, kinh doanh.
Việc các doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội vay vốn sẽ giúp thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Bảo Trung
Nhiều kiến nghị của doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng (ngày 20.3), góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại khu vực 11, gồm 5 tỉnh vùng Tây Nguyên.
Ông Phạm Đông Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Ôtô An Phước (Đắk Lắk) cho biết, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, logistics và thời gian qua luôn nhận được sự hỗ trợ về vốn vay, dịch vụ tài chính từ các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, ông cũng nêu thực trạng rằng giá trị định giá tài sản trên đất thuê hàng năm còn thấp, đặc biệt là các tài sản cố định đã xây dựng và khấu hao trong nhiều năm.
Ông Phạm Đông Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Ôtô An Phước phát biểu. Ảnh: Bảo Trung
Ông Thanh đề xuất các ngân hàng xem xét giá trị thương mại của đất thuê để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn. Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn được vay bù đắp vốn lưu động đối với các hóa đơn chưa vay trong vòng 6 tháng.
Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị các tổ chức tín dụng cho phép vay thế chấp các khoản nợ phải thu. Thực tế, nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng hóa nhưng chỉ nhận được thanh toán sau 75 - 90 ngày kể từ khi xuất hóa đơn.
Vì vậy, việc thế chấp các khoản đòi nợ sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn lưu động để duy trì hoạt động.
Ông Lê Đức Huy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Simexco Daklak kiến nghị. Ảnh: Bảo Trung
Ông Lê Đức Huy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Simexco Daklak (thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk), đề nghị các ngân hàng tăng hạn mức và giảm lãi suất vay cho nông dân, hợp tác xã nhằm hỗ trợ sản xuất liên kết chuỗi, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Huy cho biết, đơn vị đã xuất khẩu cà phê giảm phát thải CO2 và mong muốn có các gói tín dụng xanh phù hợp để thúc đẩy xu hướng này.
Bên cạnh đó, Simexco Daklak đang đầu tư vào sản xuất cà phê thành phẩm có thương hiệu. Ông Huy kiến nghị các ngân hàng triển khai gói tín dụng ưu đãi cho công nghệ chế biến sâu, đặc biệt với lãi suất ưu đãi dành cho dây chuyền công nghệ hiện đại. Điều này sẽ giúp nâng cao giá trị nông sản, tạo việc làm và tăng thu ngân sách cho địa phương.
Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp
Tại hội nghị, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã giải đáp, ghi nhận và xem xét giải quyết những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Đoàn Thái Sơn cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.
Đồng thời, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm công nghệ trong tín dụng và thanh toán, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng và tăng cường truyền thông chính sách.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh vai trò của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương trong việc triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân Tây Nguyên ổn định sản xuất, kinh doanh.
Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững và thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
https://laodong.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-mong-co-them-nhieu-phuong-an-vay-von-tin-dung-1479724.ldo
BẢO TRUNG (BÁO LAO ĐỘNG)