Đô thị TPHCM đa trung tâm: Giải pháp giảm tắc nghẽn
TPHCM phát triển đô thị theo hướng đa trung tâm nhằm giãn dân và giải quyết các vấn đề nhức nhối như kẹt xe, ô nhiễm và ngập nước. Đây cũng là bước đệm để mở rộng không gian phát triển mới cho thành phố.
Hướng đến đô thị đa trung tâm
Hiện nay, các tuyến đường nội đô TPHCM đã không thể mở rộng thêm, trong khi lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh. Thành phố hiện quản lý hơn 9,5 triệu phương tiện, trong đó có hơn 1 triệu xe ôtô và gần 8,5 triệu xe máy. Trung bình, số lượng phương tiện tăng 6,5% mỗi năm, nhưng diện tích mặt đường chỉ tăng 0,2%.
Trong suốt 5 năm qua, khu vực nội đô không có sự mở rộng đáng kể nào về hạ tầng đường bộ. Người dân các khu vực ngoại thành vẫn tập trung vào trung tâm để làm việc, học tập và mua sắm, gây kẹt xe triền miên.
Để thay đổi, Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định tổ chức không gian đô thị theo định hướng đa trung tâm và đa chức năng. Thành phố dự kiến phát triển các khu đô thị sáng tạo, khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị với mô hình "thành phố trong thành phố".
Trong 5 năm tới, TPHCM sẽ là đô thị đặc biệt bao gồm một khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc: TP Thủ Đức (đô thị loại I) và 5 đô thị vệ tinh đạt tiêu chuẩn để nâng cấp lên thành phố, gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.
Sau năm 2030, TPHCM sẽ xây dựng các đô thị theo mô hình thành phố đa trung tâm, bao gồm: Khu vực đô thị trung tâm, đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị Quận 7 - Nhà Bè, và đô thị sinh thái biển Cần Giờ.
Mỗi khu vực sẽ phát triển phù hợp với đặc điểm và lợi thế riêng. Ví dụ, khu vực phía Nam với Quận 7 và Nhà Bè sẽ tập trung vào dịch vụ số, logistics, công nghệ cao và đô thị sinh thái. Cần Giờ sẽ khai thác lợi thế kinh tế biển, bao gồm cảng trung chuyển, khu thương mại tự do, du lịch sinh thái biển và năng lượng tái tạo. Khu vực các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ, logistics; đô thị sinh thái kết hợp kinh tế.
Giãn dân và giảm tải giao thông
Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên về quy hoạch đô thị, mỗi đô thị vệ tinh cần có đầy đủ hạ tầng xã hội và kỹ thuật để phục vụ người dân tại chỗ.
Ông Sơn cho biết, các đô thị này sẽ có các trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, và nhà hát tương tự khu vực trung tâm, giúp giảm đáng kể nhu cầu di chuyển vào nội đô. Điều này không chỉ giúp giảm kẹt xe mà còn tạo ra việc làm ngay tại địa phương, cải thiện chất lượng sống cho người dân.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, tình trạng tập trung dân cư vào trung tâm lâu nay đã gây áp lực lớn lên hạ tầng. Chỉ riêng Phú Mỹ Hưng (Quận 7) - lõi khu Nam, là khu vực đáp ứng tương đối nhu cầu tại chỗ, còn lại nhiều nơi như Hóc Môn, Củ Chi hay Quận 12 vẫn phụ thuộc vào trung tâm.
Theo ông Phan Văn Mãi, quy hoạch mới đặt mục tiêu mỗi đô thị vệ tinh đáp ứng ít nhất 60% chức năng tại chỗ. Điều này không chỉ giảm áp lực cho trung tâm mà còn tạo điều kiện để người dân ở ngoại thành có việc làm, học tập và mua sắm gần nơi sinh sống. Bên cạnh đó, khu vực trung tâm sẽ hạn chế phát triển mới và ưu tiên chỉnh trang để trở thành không gian xanh, nâng cao chất lượng sống cho cư dân.
Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng, khẳng định, việc phát triển đô thị vệ tinh sẽ giúp Cần Giờ trở thành động lực quan trọng, góp phần giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế của TPHCM.
Theo ông Hồng, huyện sẽ tập trung triển khai ba dự án trọng điểm gồm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cầu Cần Giờ và khu đô thị lấn biển rộng 2.870ha. Những dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy chiến lược, thúc đẩy sự phát triển đột phá và bền vững của Cần Giờ.
https://laodong.vn/giao-thong/do-thi-tphcm-da-trung-tam-giai-phap-giam-tac-nghen-1454543.ldo
MINH QUÂN (BÁO LAO ĐỘNG)