Thời sự
Cập nhật lúc 12:12 04/12/2024 (GMT+7)
Dạy nghề cho người dân vùng biên Tuy Đức làm ăn thoát nghèo

Đắk Nông - Huyện Tuy Đức đã và đang dạy nghề cho người lao động phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương để giúp họ tìm kiếm việc làm và thoát nghèo bền vững.

Mở lối việc làm cho người lao động

Huyện biên giới Tuy Đức có địa hình đồi núi bị chia cắt, nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhưng đang vươn lên mạnh mẽ. Trong đó, công tác xóa đói giảm nghèo trong nhân dân đang đạt được nhiều kết quả tích cực.

Huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đang nỗ lực đào tạo nghề để nâng cao kỹ năng cho người dân nông thôn, mở ra cơ hội thoát nghèo. Ảnh: Đình Quang
Huyện Tuy Đức tổ chức đào tạo nghề để nâng cao kỹ năng cho người dân lao động. Ảnh: Đình Quang

Thời gian qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuy Đức đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng đời sống cho người dân địa phương.

Đơn cử như trong năm 2024, các hoạt động đào tạo nghề tại Trung tâm được tổ chức bài bản. Nhờ đó, từng bước góp phần tăng cường nhận thức cho cán bộ và người dân về tầm quan trọng của công tác dạy nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuy Đức chia sẻ: “Trung tâm đóng vai trò nòng cốt trong công tác đào tạo nghề ở huyện. Trong đó, đơn vị vừa tham mưu cho UBND huyện, vừa phối hợp với các cơ quan, ban ngành và đoàn thể để thực hiện các chương trình tuyên truyền, phổ biến chính sách dạy nghề hiệu quả".

Các ngành nghề được lựa chọn đa dạng, từ kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi, may mặc, đến sửa chữa máy móc, làm mộc, và chế biến nông sản. Ảnh: Đình Quang
Các ngành nghề được lựa chọn đa dạng, từ kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi, may mặc, đến sửa chữa máy móc, làm mộc và chế biến nông sản. Ảnh: Đình Quang

Theo ông Thắng, ngoài việc đào tạo tại trụ sở chính, trung tâm còn tổ chức các lớp dạy nghề lưu động tại các xã. Điều này tạo thuận lợi cho học viên trong việc giảm bớt chi phí đi lại và sinh hoạt.

Thông qua các hoạt động tư vấn nghề nghiệp và giới thiệu việc làm, trung tâm đã mang đến cho người dân nhiều thông tin hữu ích về các ngành nghề đào tạo và xu hướng thị trường lao động.

Nhờ đó, học viên có thể dễ dàng chọn được nghề phù hợp, đồng thời đảm bảo việc gắn kết đào tạo với tạo việc làm bền vững.

Trong năm 2024, trung tâm đã đào tạo cho 270 học viên với 9 lớp đào nghề khác nhau. Trong đó có 3 lớp sửa chữa máy nông nghiệp với 88 học viên.

Tính đến ngày 21.11.2024, đơn vị đã hoàn thành 85,82% kế hoạch. Hiện nay, đã có 4 lớp bế giảng và cấp chứng chỉ cho học viên theo đúng quy định. Có 80% học viên sau khi tốt nghiệp đã có việc làm hoặc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất tại gia đình.

"Đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của trung tâm trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Qua đó, hướng đến mục tiêu giúp học viên ổn định cuộc sống và phát triển bền vững" - ông Thắng cho hay.

Đào tạo gắn với giải quyết việc làm

Để các khóa đào tạo nghề đạt hiệu quả, huyện Tuy Đức đã xây dựng chương trình phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương và khả năng tiếp cận của người dân.

Các ngành nghề được lựa chọn cũng đa dạng, từ kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi, may mặc, cho đến sửa chữa máy móc, làm mộc và chế biến nông sản.

Người dân còn được hỗ trợ chi phí học nghề, tài liệu và công cụ thực hành. Đặc biệt, các lớp học thường tổ chức gần nơi sinh sống để người dân thuận tiện cho việc nhà, việc nương rẫy.

Không chỉ cải thiện đời sống vật chất, chương trình đào tạo nghề còn mang lại niềm tin và động lực cho người dân. Điều đáng phấn khởi nhất là nhiều bà con nông dân, lực lượng lao động ở cơ sở không còn lo lắng, áp lực về công việc mưu sinh mà đã có hướng đi rõ ràng hơn sau khi học nghề.

Theo lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức, trong thời gian tới, huyện Tuy Đức sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo nghề.

Huyện cũng chỉ đạo chính quyền các địa phương, các phòng ban chuyên môn... đặt mục tiêu kết nối chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, giới thiệu việc làm, tạo ra ổn định cho học viên.

"Qua khảo sát chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng được nâng cao. Người học nghề đã tiếp cận, áp dụng những kiến thức được học về khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào quá trình sản xuất.

Qua đó, người lao động đã giảm được chi phí, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Thông qua các lớp dạy nghề lao động nông thôn, người lao động đã biết vận dụng vào sản xuất, chăn nuôi làm ăn phát triển kinh tế cho gia đình" - ông Nguyễn Văn Anh, Phó Chủ tich UBND huyện Tuy Đức cho biết thêm.

https://laodong.vn/xa-hoi/day-nghe-cho-nguoi-dan-vung-bien-tuy-duc-lam-an-thoat-ngheo-1428046.ldo

Đình Quang (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: