Thời sự
Cập nhật lúc 05:16 14/11/2024 (GMT+7)
Đắk Lắk dạy nghề bài bản cho hàng nghìn người lao động

Đắk Lắk - Thời gian qua, cơ quan chức năng đã và đang tập trung đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm giúp họ có việc làm, ổn định cuộc sống.

Đắk Lắk dạy nghề bài bản cho hàng nghìn người lao động
Người dân vùng sâu, vùng xa ở Đắk Lắk được đào tạo nghề để có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Bảo Trung

Dạy nghề cho hàng nghìn người dân

Hiện phần lớn số lao động cư trú ở khu vực nông thôn ở tỉnh Đắk Lắk chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và chăn nuôi...

Nhiều người phát triển kinh tế hộ gia đình trong khi chưa có trình độ, kinh nghiệm, vì vậy thu nhập còn thấp, chưa hiệu quả.

Trước thực trạng đó, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Trong 9 tháng năm 2024, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện M’Đrắk đã triển khai sâu rộng Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Trong đó, Trung tâm đã mở 6 lớp đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cho gần 130 học viên trên địa bàn huyện, tập trung ở những xã khó khăn, người lao động chưa có việc làm ổn định.

Những ngành nghề được đào tạo bao gồm chăn nuôi trâu, bò; chăn nuôi gà; sửa chữa máy nông nghiệp; xây dựng dân dụng; may dân dụng...

Một lớp dạy nghề cho người dân ở huyện M'Đrắk được tổ chức vào ban đêm. Ảnh: Bảo Trung
Một lớp dạy nghề cho người dân ở huyện M'Đrắk được tổ chức vào ban đêm. Ảnh: Bảo Trung

Anh Trần Trọng Lê (huyện M'Đrắk) vừa tốt nghiệp lớp chăn nuôi bò ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện. Anh Lê đã áp dụng những kiến thức được học, mạnh dạn tìm hiểu nhu cầu thị trường để tập trung chăn nuôi bò với số lượng lớn.

"Được giáo viên dạy nghề truyền tải, chỉ dạy những kiến thức hữu ích, tôi mong muốn tạo dựng cho mình một trại chăn nuôi gia súc để từng bước phát triển kinh tế" - anh Lê nói thêm.

Giáo viên dạy nghề truyền đạt những kiến thức bổ ích cho học viên. Ảnh: Bảo Trung
Giáo viên dạy nghề truyền đạt những kiến thức bổ ích cho học viên. Ảnh: Bảo Trung

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021-2023, cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ đào tạo nghề cho tổng cộng 9.121 người lao động nông thôn, với tổng kinh phí hơn 31 tỉ đồng.

Trong giai đoạn năm 2024 - 2025, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 15.400 lao động nông thôn với kinh phí hỗ trợ khoảng 53 tỉ đồng.

Tạo sự chủ động về đào tạo nghề

Thực tế, tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, công tác tuyển sinh đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp nhiều khó khăn. Số lao động tham gia học nghề tại các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện, thị xã, thành phố còn ít.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: "Thời gian qua, các sở, ban ngành và các địa phương đã chủ động, phối hợp triển khai các giải pháp cùng với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh… Mục đích là để thúc đẩy, tăng cường các hoạt động giải quyết việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động".

Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh đó, có một điều đáng ghi nhận đó là sự nỗ lực chủ động của người lao động trong việc đi tự tìm việc làm, tự tạo việc làm, tham gia học nghề. Qua đó, họ tìm cho mình việc làm phù hợp hoặc lựa chọn nghề học phù hợp.

Cũng theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, thời gian tới, đơn vị sẽ chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ làm công tác dạy và đào tạo nghề.

Đặc biệt, nghiên cứu, phân cấp, trao quyền, tạo sự chủ động cho cơ sở. Qua đó, đảm bảo nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong tổ chức thực hiện đào tạo nghề đảm bảo đúng đối tượng theo quy định của pháp luật.

https://laodong.vn/xa-hoi/dak-lak-day-nghe-bai-ban-cho-hang-nghin-nguoi-lao-dong-1418420.ldo

BẢO TRUNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: