Thời sự
Cập nhật lúc 02:39 12/05/2025 (GMT+7)
Cụ thể hóa quy định hậu kiểm, tháo gỡ rào cản về thủ tục cho doanh nghiệp

Nhiều hộ kinh doanh chưa mặn mà chuyển đổi lên doanh nghiệp chính là những vướng mắc trong thực hiện nghĩa vụ về thuế, kiểm tra, thanh tra.

Cụ thể hóa quy định hậu kiểm, tháo gỡ rào cản về thủ tục cho doanh nghiệp
Nhiều hộ kinh doanh chưa mặn mà chuyển đổi lên doanh nghiệp chính là những vướng mắc trong thực hiện nghĩa vụ về thuế. Ảnh: Vương Trần.

Trong thời gian gần đây, dư luận liên tiếp được đón nhận một loạt định hướng lớn về kinh tế tư nhân.

Theo đó, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia"; "tháo chốt", loại bỏ những điểm nghẽn để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình; muốn tăng trưởng 2 con số, phải dựa vào kinh tế tư nhân…

Đặc biệt là sự ra đời của Nghị quyết 68, giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, nghị quyết này đã thể hiện bước tiến đột phá về tư duy phát triển; là "cuộc cách mạng về tư duy và thể chế"; là "bước ngoặt lịch sử" trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá.

Việc này cũng đi vào tận gốc rễ của vấn đề là "cải cách thể chế", khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mở rộng không gian phát triển, hỗ trợ thực chất; tạo lập và củng cố niềm tin,…

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu - Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội cho rằng, sự ra đời của Nghị quyết 68 là rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

Những thông điệp trong nghị quyết rất rõ ràng và mạnh mẽ, đã đi thẳng vào những vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân, giải quyết những trở ngại tồn tại lâu nay.

Tại tọa đàm “Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay” mới đây do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, đại diện một doanh nghiệp ngành ngân hàng chia sẻ, bản thân họ muốn các quy định pháp luật thật sự đi vào thực tiễn đời sống kinh doanh. Một trong những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm hiện nay là việc thành lập doanh nghiệp.

“Chúng ta đã nhiều lần đề cập đến việc pháp luật bảo đảm cho doanh nghiệp được quyền hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, song trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều rào cản. Thời gian qua, Tổng Bí thư đã nêu vấn đề này rất đậm nét. Tôi cho rằng đây là điểm sáng cần tiếp tục cải thiện” - vị đại diện này nói.

Một vấn đề khác liên quan đến vấn đề quản lý doanh nghiệp là hậu kiểm. Vị đại diện này nêu ví dụ như liên quan đến thuế, thanh tra thuế, kiểm tra thuế.

Theo đó, lý do mà nhiều doanh nghiệp nhỏ không muốn phát triển lớn hơn hoặc các hộ kinh doanh còn chưa mặn mà với việc chuyển đổi lên doanh nghiệp chính là những vướng mắc trong thực hiện nghĩa vụ về thuế, kiểm tra, thanh tra và các vấn đề liên quan khác.

“Tôi cho rằng, nếu chúng ta có thể kịp thời sửa đổi một số nội dung quy định còn vướng mắc thì sẽ tạo ra bước đột phá ban đầu, trực tiếp tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đối với các vấn đề lớn hơn như ngân sách, thể chế khác thì chúng ta có thể tiến hành dần dần ở những giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, những nội dung có tính chất đột phá, nâng cao tinh thần đổi mới cần được ưu tiên giải quyết trước” - vị đại diện doanh nghiệp ngành ngân hàng nhấn mạnh.

https://laodong.vn/kinh-doanh/cu-the-hoa-quy-dinh-hau-kiem-thao-go-rao-can-ve-thu-tuc-cho-doanh-nghiep-1505152.ldo

ANH HUY (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: