Cơ hội, thách thức của kinh tế Việt Nam khi ông Trump quay trở lại nhà Trắng
Sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump mang đến cả cơ hội và thách thức cho kinh tế Việt Nam. Để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro, Việt Nam cần thúc đẩy cải cách kinh tế, thực hiện chính sách linh hoạt và mở rộng quan hệ thương mại quốc tế.
Nhiều cơ hội về thương mại và thu hút đầu tư
Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ trong nhiệm kỳ thứ 2 ở Nhà Trắng sau 4 năm, đang mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong bối cảnh đất nước thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực. Một trong những cơ hội lớn nhất là về kinh tế và thương mại, khi Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia công nghiệp thu nhập cao vào năm 2045.
Việt Nam có khả năng thu hút đầu tư từ Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ cao, năng lượng tái tạo và nông sản. Đặc biệt, Việt Nam đang cần phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như Intel và NVIDIA đã và đang hiện diện tại Việt Nam, điều này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ.
Tăng cường xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế so sánh cao của Việt Nam như điện thoại, dệt may, thủy sản, đồ gỗ. Thu nhập bình quân đầu người của Mỹ gấp khoảng 17 lần Việt Nam, sức mua lớn, nhu cầu tiêu dùng cao cho nên khả năng nhập khẩu sẽ rất lớn. Việt Nam không thuộc diện quốc gia chịu mức thuế quan cao từ Mỹ cho nên đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu quy mô lớn vào Mỹ khi hàng hóa từ các đối tác khác chịu thuế quan 25%, thậm chí 60% hoặc cao hơn từ tháng 2.2025.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 quốc gia đạt con số hơn 100 tỉ USD. Mỹ cũng đang lọt vào nhóm 10 nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư hàng tỉ USD sang Mỹ… Việc Việt Nam coi trọng đổi mới sáng tạo với Nghị quyết 57 ban hành từ cuối năm 2024 là tín hiệu để Mỹ mở rộng hợp tác theo chiều sâu và thực chất.
Việt Nam cũng có cơ hội lớn để tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ đối tác Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ trong các lĩnh vực sản xuất và năng lượng.
Khi lòng tin chính trị được củng cố và hợp tác thương mại, đầu tư toàn diện, Việt Nam sẽ mở rộng chuyển giao công nghệ qua chuỗi cung ứng các mặt hàng chủ lực sử dụng công nghệ tiên tiến từ Mỹ và đồng minh. Doanh nghiệp Việt có cơ hội học hỏi, phát triển công nghệ và tận dụng đội ngũ chuyên gia hàng đầu từ Mỹ với cơ chế hiệu quả.
Thách thức có thể phải đối mặt
Bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức. Đầu tiên là rủi ro từ chính sách bảo hộ thương mại. Mỹ có thể áp dụng các biện pháp như thuế nhập khẩu để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Điều này đặt ra yêu cầu Việt Nam cần có các giải pháp ứng phó nhanh chóng và hiệu quả. Coi trọng sự phát triển các dự án hợp tác và tăng cường đầu tư trực tiếp vào Mỹ có thể là giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực.
Một thách thức nữa là áp lực duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng. Khi Mỹ điều chỉnh chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, chuỗi này có thể chuyển sang các nước khác ở châu Á như ASEAN, Ấn Độ hay các quốc gia từ châu lục khác. Vì thế, việc cạnh tranh để có được chuỗi cung ứng này, nhất là chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ chiến lược giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực sẽ rất lớn, chi phí thu hút tăng lên và chi phí cơ hội tăng lên, tạo áp lực lớn lên các biện pháp hỗ trợ từ chính sách và chi phí doanh nghiệp.
Theo đó, việc theo dõi sát động thái dịch chuyển và phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp với đối tác Mỹ là cần thiết để thích ứng nhanh, hiệu quả. Đồng thời, cần tích lũy nội lực, tăng sức chống chịu và đa dạng hóa đối tác nhằm giảm thiểu rủi ro từ môi trường khu vực và quốc tế đầy biến động.
https://laodong.vn/kinh-doanh/co-hoi-thach-thuc-cua-kinh-te-viet-nam-khi-ong-trump-quay-tro-lai-nha-trang-1453862.ldo
PGS. TS NGUYỄN THƯỜNG LẠNG - ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN