Chuyên nghiệp hóa chuỗi cung ứng để giữ vững thị trường Mỹ
Thị trường Mỹ mang lại giá trị cao nhưng cũng đặt ra yêu cầu khắt khe về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch chuỗi sản xuất.
Thị trường chủ lực đối mặt với thách thức
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang nước này đạt 13,7 tỉ USD, chiếm 22% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Trong 4 tháng đầu năm 2025, con số này đã đạt 4,34 tỉ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ.
Tại Hội nghị thúc đẩy thương mại nông sản giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tổ chức ngày 9.5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cảnh báo rằng nếu không cải thiện chất lượng quản lý chuỗi cung ứng, thị trường Mỹ có thể trở thành điểm nghẽn thay vì động lực tăng trưởng. Ông cho biết hệ thống sản xuất còn phân tán, thiếu tính minh bạch và chưa đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, lao động hay truy xuất nguồn gốc.
Đáng lưu ý, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam có nguy cơ rơi vào diện bị điều tra, áp thuế. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao tính chuyên nghiệp, tuân thủ luật chơi quốc tế và chủ động thích ứng.
Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng và tái cấu trúc
Để ứng phó với tình hình, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại và thúc đẩy đàm phán với các đối tác Mỹ. Trong tháng 6 tới, gần 40 doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia đoàn công tác sang Mỹ với mục tiêu nhập khẩu nguyên vật liệu trị giá khoảng 2 tỉ USD, chưa kể gỗ nguyên liệu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, chính các doanh nghiệp mới là nhân tố quyết định sự thành công trong việc giữ vững và mở rộng thị trường. Ông kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đầu tư mạnh vào công nghệ chế biến sâu, hệ thống logistics lạnh, kiểm soát chất lượng và tăng cường liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị bền vững.
Doanh nghiệp cần chủ động cập nhật các quy định mới của thị trường Mỹ, chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ phòng vệ thương mại và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc. Việc khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và mở rộng thị trường nội địa cũng là chiến lược cần thiết.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đang triển khai Đề án thúc đẩy xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tập trung vào minh bạch hóa vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu dựa trên tiêu chuẩn tuân thủ quốc tế.
Bộ khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các chương trình chuyển đổi xanh để đáp ứng các tiêu chuẩn mới về môi trường và phát triển bền vững.
https://laodong.vn/thi-truong/chuyen-nghiep-hoa-chuoi-cung-ung-de-giu-vung-thi-truong-my-1504097.ldo
Huy Hoàng (BÁO LAO ĐỘNG)