Thời sự
Cập nhật lúc 02:24 25/05/2025 (GMT+7)
Buôn Đôn ứng dụng công nghệ số để giải quyết việc làm cho lao động

Đắk Lắk – Huyện Buôn Đôn đã và đang đa dạng hóa đào tạo nghề theo nhu cầu và hướng dẫn người dân kỹ năng bán hàng online để giải quyết việc làm tại chỗ cho họ.

Buôn Đôn ứng dụng công nghệ số để giải quyết việc làm cho lao động
Buôn Đôn tổ chức phiên giao dịch việc làm để hỗ trợ thông tin tuyển dụng cho người lao động. Ảnh: Bảo Lâm

Học nghề để tự tạo việc làm cho bản thân

Thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5 thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Buôn Đôn đã chủ động triển khai các giải pháp đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn.

Huyện Buôn Đôn đã đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ trong tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo việc làm tại chỗ cho người lao động.

Ngay từ đầu giai đoạn, chính quyền huyện đã phối hợp với các xã, thôn, buôn tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề trong cộng đồng. Kết quả cho thấy nhu cầu học nghề của đồng bào dân tộc thiểu số rất đa dạng, tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, dệt may và các nghề truyền thống.

Hướng dẫn người dân dùng điện thoại thông minh, mua bán hàng online, marketing sản phẩm. Ảnh: Bảo Lâm
Hướng dẫn người dân dùng điện thoại thông minh, mua bán hàng online, marketing sản phẩm. Ảnh: Bảo Lâm

Theo ông Y Si Thắt Ksor – Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, huyện đã xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề phù hợp, mời giảng viên có chuyên môn và kỹ năng truyền đạt để nâng cao hiệu quả học tập. Mục tiêu là trang bị kiến thức, kỹ năng thiết thực, giúp người dân chủ động sản xuất, tạo việc làm ổn định và cải thiện sinh kế.

Chị Y Nhuên, người dân ở xã Ea Bar chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ làm nương rẫy với thu nhập bấp bênh. Nhờ tham gia lớp học nghề may do địa phương tổ chức, tôi đã học được cách sử dụng máy may, cắt vải, thiết kế mẫu đơn giản. Sau khóa học, tôi được nhận vào làm tại một tổ hợp tác may trong huyện, có thu nhập ổn định để lo cho gia đình và con cái ăn học”.

Mô hình chăn nuôi phát triển nhờ công tác dạy nghề, tập huấn. Ảnh: Bảo Lâm
Mô hình chăn nuôi phát triển nhờ công tác dạy nghề, tập huấn. Ảnh: Bảo Lâm

Tương tự, anh Y Bliu Niê ở xã Ea Wer cho biết: “Nhờ tham gia lớp dạy kỹ thuật trồng rau an toàn, chăn nuôi gà thả đồi theo Chương trình mục tiêu quốc gia, tôi đã biết cách làm chuồng trại, tiêm phòng cho vật nuôi và sử dụng phân hữu cơ. Sau khóa học, tôi áp dụng vào sản xuất tại nhà, vừa đủ ăn vừa có sản phẩm mang ra chợ bán, giúp tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.”

Kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo nhờ dạy nghề

Theo thống kê của Phòng Nội vụ huyện Buôn Đôn, trong giai đoạn 2021–2025, huyện đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 4.760 lao động. Trong đó, có 100 lao động xuất khẩu, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 950 người và xuất khẩu khoảng 20 lao động. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 43%.

Giới thiệu nghề, bổ sung kiến thức cho lao động nữ địa phương. Ảnh: Bảo Lâm
Giới thiệu nghề, bổ sung kiến thức cho lao động nữ địa phương. Ảnh: Bảo Lâm

Gắn với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm là mục tiêu giảm nghèo bền vững. Năm 2021, toàn huyện có khoảng 7.048 hộ nghèo, chiếm 42,08%, huyện đặt mục tiêu giảm bình quân 3% tỉ lệ hộ nghèo mỗi năm trong giai đoạn 2021–2025.

Về định hướng dài hạn, huyện Buôn Đôn chú trọng gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tiễn của địa phương, khai thác lợi thế văn hóa, tài nguyên bản địa và xu thế thị trường.

Công tác đào tạo nghề được lồng ghép với bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống như dệt vải, đan lát, làm nhạc cụ dân tộc… thông qua đổi mới mẫu mã và tăng cường quảng bá sản phẩm qua các kênh hiện đại.

Ngân hàng chính sách xã hội, “bà đỡ” cho các mô hình sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn, miền núi. Ảnh: Bảo Lâm
Ngân hàng chính sách xã hội, “bà đỡ” cho các mô hình sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn, miền núi. Ảnh: Bảo Lâm

Đặc biệt, huyện Buôn Đôn đã tích cực ứng dụng công nghệ số trong công tác đào tạo và tiêu thụ sản phẩm, lồng ghép nội dung về marketing, bán hàng online, sử dụng điện thoại thông minh vào các khóa học nghề.

Việc này nhằm giúp người lao động tiếp cận thị trường rộng lớn, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm địa phương.

https://laodong.vn/xa-hoi/buon-don-ung-dung-cong-nghe-so-de-giai-quyet-viec-lam-cho-lao-dong-1511970.ldo

BẢO LÂM (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: