Buôn Đôn mở lối cho người dân thoát nghèo từ chương trình xuất khẩu lao động
Đắk Lắk – Những năm qua, huyện Buôn Đôn đã đẩy mạnh xuất khẩu lao động, mở ra cơ hội cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Người lao động tại Buôn Đôn đến hội chợ việc làm để nghe tư vấn tuyển dụng. Ảnh: Bảo Lâm
Cơ hội thoát nghèo từ xuất khẩu lao động
Theo thống kê, lực lượng lao động trong độ tuổi tại Buôn Đôn chiếm tỉ lệ khá cao. Tuy nhiên, do đặc thù địa hình và điều kiện kinh tế - xã hội, nhiều khu vực, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vẫn còn thiếu việc làm ổn định.
Trong bối cảnh đó, việc định hướng người dân tham gia xuất khẩu lao động được xem là giải pháp thiết thực, mang lại thu nhập cao và mở ra cánh cửa thoát nghèo bền vững.
Lao động miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đọc thông tin doanh nghiệp tuyển dụng. Ảnh: Bảo Lâm
Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2024, đã có 54 lao động trên địa bàn huyện Buôn Đôn được đưa đi làm việc tại nước ngoài thông qua các doanh nghiệp như: Công ty CP Đầu tư Giáo dục Vietgroup, Công ty CP Nhân lực Quốc tế Nhân Hòa, Công ty CP Nhân lực Quốc tế Việt Ngọc, Công ty CP Phát triển Nguồn nhân lực LOD, Công ty TNHH TM Phát triển Tổng hợp Đại Việt...
Các thị trường xuất khẩu lao động chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... những nơi có nhu cầu lao động lớn và mức thu nhập hấp dẫn.
Người lao động sau khi được tuyển chọn và đào tạo có thể làm việc trong nhiều ngành nghề như: Công nhân may mặc, sơn, lắp ráp thiết bị điện, ép kim loại, hộ lý, chăn nuôi, chế biến gỗ, sản xuất đồ nội thất...
Em H’Như Bya, trú tại xã Ea Nuôl, tham gia xuất khẩu lao động sang Nhật Bản vào tháng 10.2024 với thời hạn 3 năm. Tại nhà máy ở thị trấn Koshindaira, thành phố Bando, tỉnh Ibaraki, H’Như Bya làm nghề ép kim loại với thu nhập hơn 20 triệu đồng mỗi tháng sau khi trừ chi phí sinh hoạt.
Không chỉ cải thiện thu nhập, em còn đều đặn gửi tiền về phụ giúp gia đình sửa nhà, lo cho các em ăn học.
Phổ biến thông tin thị trường lao động đến với người dân. Ảnh: Bảo Lâm
Tương tự, anh Đậu Xuân Tị (SN 1990), trú tại xã Ea Wer cũng đang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) với hợp đồng 3 năm. Nhờ mức lương ổn định từ công việc tại nhà máy, trong năm đầu tiên, anh đã trả gần hết khoản vay ban đầu phục vụ cho việc xuất khẩu lao động.
Gia đình anh kỳ vọng, sau khi hết hợp đồng, nguồn vốn tích lũy từ lao động nước ngoài sẽ là bàn đạp để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình qua các mô hình chăn nuôi, trồng trọt.
Hỗ trợ xuất khẩu lao động
Theo ông Y Si Thắt Ksơr – Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động không chỉ tạo việc làm mà còn giúp người lao động trẻ tiếp cận môi trường công nghiệp hiện đại.
Qua đó, người lao động có điều kiện nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, ý thức tổ chức và phong cách làm việc chuyên nghiệp.
Cán bộ xã động viên, định hướng tư tưởng người dân chủ động tham gia công việc ổn định. Ảnh: Bảo Lâm
Khi trở về nước, những người này hoàn toàn có thể phát huy kiến thức, kinh nghiệm để khởi nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chính quyền địa phương xác định rõ, xuất khẩu lao động là hướng đi đúng đắn và cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh các huyện miền núi còn thiếu nguồn lực phát triển.
Trong thời gian tới, Buôn Đôn sẽ tiếp tục tập trung đào tạo nghề, tư vấn định hướng, nâng cao chất lượng nguồn lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường lao động quốc tế.
Xuất khẩu lao động mở ra cơ hội mới cho người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: Bảo Lâm
Xuất khẩu lao động đang dần trở thành một trong những giải pháp trọng tâm giúp người dân Buôn Đôn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền và sự đồng hành của các doanh nghiệp uy tín, hành trình "ly nông bất ly hương" của người lao động nơi đây đang mở ra nhiều triển vọng tươi sáng cho một tương lai phát triển bền vững.
https://laodong.vn/xa-hoi/buon-don-mo-loi-cho-nguoi-dan-thoat-ngheo-tu-chuong-trinh-xuat-khau-lao-dong-1509679.ldo
BẢO LÂM (BÁO LAO ĐỘNG)