Bất cập về biên chế, phụ cấp tại đơn vị sự nghiệp công lập
Đại biểu Quốc hội phản ánh bất cập về chính sách, trong đó có vấn đề phụ cấp tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cấp huyện.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho biết, thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, Thông tư liên tịch số 39 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, các địa phương đã tiến hành sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.
Sau sáp nhập, các trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện thực hiện 2 nhiệm vụ chuyên môn là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên.
Việc sáp nhập các trung tâm này được xem là giải pháp để tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả đào tạo dạy nghề, tinh gọn bộ máy. Dù vậy, theo đại biểu, sau nhiều năm triển khai hiệu quả chưa như kỳ vọng. Qua kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 cho thấy các trung tâm này tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập.
Theo đó, hiện nay về xác định vị trí pháp lý và quản lý nhà nước đối với trung tâm này chưa rõ ràng do sự tồn tại song song của 2 thông tư cùng quy định về tổ chức và hoạt động. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các khó khăn, vướng mắc.
Theo quy định của Thông tư liên tịch số 39, các trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện không thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nên chịu bó hẹp trong khuôn khổ biên chế đơn vị sự nghiệp tỉnh giao cho UBND cấp huyện.
Đồng thời, do không thuộc hệ thống giáo dục nên không được thụ hưởng các chính sách đầu tư của ngành giáo dục, mặc dù trung tâm có giáo dục trung học phổ thông.
Do được xác định là đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện nên chỉ có giám đốc, phó giám đốc trung tâm được hưởng phụ cấp chức vụ, trong khi các tổ bộ môn không được hưởng trợ cấp, không được hưởng phụ cấp như các cơ sở giáo dục khác.
Trong khi đó, Thông tư số 01 năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định vị trí pháp lý của trung tâm thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, quy định này đã cơ bản giải quyết được khó khăn, vướng mắc về vị trí pháp lý và tổ chức hoạt động của trung tâm.
Tuy nhiên, hiện nay các địa phương chưa triển khai thực hiện được thông tư này, vì Thông tư liên tịch số 39 chưa được bãi bỏ hoặc công bố hết hiệu lực, từ đó các vấn đề khó khăn vẫn chưa được tháo gỡ.
Bên cạnh đó, việc phân hạng các trung tâm sau khi sáp nhập chưa được hướng dẫn nên chưa có cơ sở để thực hiện chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cấp huyện, đại biểu kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ phối hợp rà soát, bãi bỏ hoặc công bố hết hiệu lực Thông tư liên tịch số 39.
Ngoài ra, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01 quy định cụ thể về vị trí pháp lý đối với trung tâm này theo hướng xác định trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Việc sửa đổi này để tháo gỡ những khó khăn về biên chế, chế độ chính sách cho các trung tâm và phù hợp với quy định của Luật Giáo dục, quy định cụ thể việc xếp hạng các trung tâm để cán bộ quản lý giáo viên được hưởng chế độ, chính sách phù hợp.
https://laodong.vn/xa-hoi/bat-cap-ve-bien-che-phu-cap-tai-don-vi-su-nghiep-cong-lap-1421300.ldo
CAO NGUYÊN (BÁO LAO ĐỘNG)