927 doanh nghiệp Quảng Nam đóng cửa sau 4 tháng đầu năm 2025
Quảng Nam - Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng mạnh, phản ánh môi trường đầu tư còn nhiều khó khăn, thách thức.
Mỗi tháng có hơn 230 doanh nghiệp đóng cửa
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Quảng Nam, trong 4 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh có 444 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, tổng vốn đăng ký chỉ đạt khoảng 2.490 tỉ đồng, giảm 7,5%. Điều này cho thấy xu hướng thận trọng trong đầu tư.
Lãnh đạo Quảng Nam thăm, động viên Tập đoàn Thaco ở Chu Lai, Núi Thành đầu năm 2025. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Ở chiều ngược lại, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 927 doanh nghiệp, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2024. Con số này bao gồm các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, đang chờ làm thủ tục giải thể và giải thể hoàn toàn.
“Trung bình mỗi tháng có hơn 230 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí vận hành tăng cao, đầu ra sản phẩm khó khăn và vướng mắc trong thủ tục hành chính.
Hoạt động doanh nghiệp có tín hiệu phục hồi ở số lượng đăng ký mới, nhưng số doanh nghiệp rút lui vẫn cao, phản ánh môi trường kinh doanh còn nhiều thách thức” - UBND tỉnh Quảng Nam nhận định.
Do tình hình kinh doanh khó khăn, Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 tại Điện Bàn, Quảng Nam đã tạm ngừng hoạt động đầu năm 2025. Ảnh: Trường An
Cùng thời điểm, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 221 doanh nghiệp, giảm 13% so với cùng kỳ, cho thấy xu hướng “hồi sinh” của cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn yếu và thiếu tính bền vững.
Ông Nguyễn Văn A, chủ một doanh nghiệp xây dựng tại TP Tam Kỳ chia sẻ: “Chi phí nguyên vật liệu và nhân công tăng liên tục, trong khi các gói thầu bị trì hoãn hoặc thanh toán chậm, khiến dòng tiền bị đứt đoạn. Chúng tôi buộc phải tạm ngừng hoạt động để cắt lỗ”.
Gánh nặng tài chính và điểm nghẽn đất đai
Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó, dòng vốn đầu tư công càng trở nên quan trọng hơn. Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của tỉnh là hơn 8.312 tỉ đồng, trong đó đã phân bổ chi tiết hơn 8.155 tỉ đồng, đạt 98%.
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 4.2025, chỉ mới giải ngân hơn 1.349 tỉ đồng, đạt 16,2% - tuy cao hơn mức trung bình cả nước (14,32%), nhưng vẫn thấp so với yêu cầu đặt ra.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ giải ngân chậm là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và một số dự án phải tạm dừng để chờ điều chỉnh theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính mới.
Một tín hiệu đáng lo khác là số lượng doanh nghiệp nợ nghĩa vụ tài chính về đất đai đang ở mức cao. Theo thống kê, hiện có 35 dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh còn nợ hơn 2.080 tỉ đồng tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Trong đó, nợ tiền sử dụng đất chiếm tới hơn 2.011 tỉ đồng, còn lại là tiền thuê đất một lần và tiền chậm nộp.
Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh UBND Quảng Nam Phan Thái Bình đã có tâm thư chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh, ngay sau khi Chính phủ Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới một số mặt hàng của Việt Nam đầu tháng 4.2025. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, làm chậm tiến trình phát triển các dự án đô thị, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh.
Để giảm tốc độ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, Quảng Nam đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tăng hiệu quả giải ngân đầu tư công và minh bạch hóa các thủ tục hành chính để giúp doanh nghiệp vững bước trong giai đoạn nhiều biến động này.
https://laodong.vn/kinh-doanh/927-doanh-nghiep-quang-nam-dong-cua-sau-4-thang-dau-nam-2025-1507366.ldo
Nguyễn Hoàng (BÁO LAO ĐỘNG)