Thời sự
Cập nhật lúc 03:57 11/05/2025 (GMT+7)
100% xã của Hà Nội đạt chuẩn tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới

Hà Nội – Thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay 100% xã trên địa bàn thành phố đã hoàn thành tiêu chí giao thông.

100% xã của Hà Nội đạt chuẩn tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới
Người dân tham gia vệ sinh, trồng hoa trên tuyến đường nông thôn mới tại huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Ảnh: Q.Bảy

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có 382/382 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021–2025. Tiêu chí này đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về hạ tầng giao thông, bảo đảm phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất và giao thương hàng hóa của người dân.

Cụ thể, theo quy định của tiêu chí số 2, các tuyến đường giao thông chính trong xã — bao gồm đường trục xã, đường trục thôn và đường liên thôn — phải được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô có thể đi lại thuận tiện quanh năm. Ngoài hạ tầng kỹ thuật, tiêu chí còn đòi hỏi sự đồng bộ trong quy hoạch, cảnh quan và vệ sinh môi trường.

Thời gian qua, TP Hà Nội đã tập trung nguồn lực thực hiện hàng loạt dự án giao thông nông thôn. Tổng chiều dài hệ thống đường xã và đường thôn, liên thôn được cải tạo, nâng cấp trên toàn địa bàn được nhựa hóa, bê tông hóa đạt tiêu chuẩn, đủ điều kiện để xe ô tô lưu thông dễ dàng.

Kết quả rà soát mới nhất cho thấy, toàn TP Hà Nội hiện có nhiều đường ngõ xóm đã được cứng hóa, sạch sẽ, đảm bảo điều kiện đi lại an toàn. Đối với hệ thống giao thông nội đồng — phục vụ vận chuyển nông sản và vật tư sản xuất — Hà Nội cũng đạt kết quả đáng ghi nhận. Những tuyến đường này giúp đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch và tăng khả năng tiếp cận thị trường cho nông sản.

Hệ thống giao thông nông thôn của TP Hà Nội hiện nay đạt chuẩn về chiều rộng nền đường, phù hợp với các loại phương tiện vận tải. Song song với việc đầu tư xây dựng, hệ thống biển báo, cọc tiêu, mương thoát nước, điện chiếu sáng cũng được chú trọng hoàn thiện, nâng cao tính an toàn và thẩm mỹ.

Để tạo cảnh quan hai bên đường, nhiều địa phương đã phát động các phong trào thi đua như: trồng hoa ven đường, vệ sinh môi trường, vẽ tranh tường bích họa, chỉnh trang khu dân cư. Những hoạt động này không chỉ tạo diện mạo mới cho làng quê mà còn nâng cao ý thức cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy thành quả đầu tư.

Tại nhiều xã, người dân tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công để mở rộng, nâng cấp đường làng, ngõ xóm. Nhiều nơi còn vận động người dân tháo dỡ công trình vi phạm hành lang giao thông, giải phóng mặt bằng mà không cần áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Nhiều khu vực trước đây từng bị “cô lập” do đường sá xuống cấp, nay đã trở thành các vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao hoặc cụm công nghiệp nông thôn phát triển mạnh.

Việc hoàn thành tiêu chí số 2 không chỉ cải thiện điều kiện đi lại mà còn tạo ra những chuyển biến tích cực trên mọi mặt đời sống nông thôn Hà Nội. Hạ tầng giao thông hoàn thiện góp phần rút ngắn thời gian di chuyển, tiết giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp.

https://laodong.vn/xa-hoi/100-xa-cua-ha-noi-dat-chuan-tieu-chi-giao-thong-trong-xay-dung-nong-thon-moi-1505023.ldo

Minh Hạnh (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: