-Thưa ông, từ những cơ sở nào Đồng Tháp có chủ trương đưa lao động (LĐ) ngoài 35 tuổi làm việc ở nước ngoài?
Thực tế thời gian qua cho thấy đang xuất hiện tình trạng LĐ người Đồng Tháp từ các tỉnh trở về địa phương vì thiếu việc. Trong đó tập trung là nhóm ngoài 35 tuổi. Tính đến tháng 11.2024, Đồng Tháp đã có 10.883 LĐ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐTBXH tỉnh) trình báo mất việc, trong đó, có 3.251 LĐ trên 35 tuổi.
Đây là vấn đề đáng quan tâm trong bối cảnh có sự thay đổi nhanh chóng của thị trường LĐ và nhu cầu phát triển bền vững của các doanh nghiệp (DN). Đối tượng này thường gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm do nhiều lý do, như sự cạnh tranh từ LĐ trẻ hơn hoặc sự thay đổi trong nhu cầu tuyển dụng.
Với tinh thần “không để ai ở lại phía sau”, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo Sở LĐTBXH tỉnh chủ trì, tham mưu đề xuất giải pháp.
Trên cơ sở này, Đồng Tháp xây dựng chuỗi giải pháp thích ứng với nhiều hoàn cảnh, trình độ, giới tính… Trong đó có chủ trương đưa ra nước ngoài làm việc thời vụ.
-Ông có thể nói rõ hơn về chuỗi giải pháp của Đồng Tháp?
Trên cơ sở phân tích của các ngành chuyên môn, xác định có nhiều nguyên nhân khiến LĐ ngoài 35 tuổi bị mất việc, như trình độ nghề, kỹ năng, rồi gia cảnh, sức khỏe… Từ đó, Đồng Tháp xây dựng chuỗi giải pháp hỗ trợ theo hướng mở để LĐ có nhiều cơ hội lựa chọn, như: cung cấp, hướng dẫn nguồn vốn, tăng cường thông tin thị trường tuyển dụng LĐ qua các hình thức Ngày hội việc làm, kết nối doanh nghiệp và LĐ… Trong đó, tập trung quan tâm đến việc tăng cường đào tạo, đào tạo lại và phát triển kỹ năng.
Thực tế cho thấy nhóm LĐ này đang đối mặt với nhiều thách thức, như: thích ứng với công nghệ, cạnh tranh với LĐ trẻ tuổi hơn… Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế cho thấy nhiều DN đang chú trọng đến nhóm LĐ này để tận dụng lợi thế riêng, như: kinh nghiệm, quyết tâm gắn bó với công việc vì sự ổn định cuộc sống của gia đình, người thân... Vì thế nếu được kết hợp với kiến thức mới thông qua đào tạo sẽ nhanh chóng giúp họ tạo ra giá trị cao hơn.
Bên cạnh đó, Đồng Tháp cũng quan tâm đến công tác đổi mới, nâng chất lượng truyền thông làm thay đổi nhận thức làm cho cộng đồng nói chung, người sử dụng LĐ nhận ra giá trị của LĐ ngoài 35 tuổi, kinh nghiệm và sự ổn định mà họ mang lại như tài sản quý giá trong môi trường công việc.
-Thưa ông, vì sao phải là LĐ thời vụ?
Từ thực tiễn đưa LĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong thời gian qua của Đồng Tháp cho thấy, đa phần không đòi hỏi cao về ngoại ngữ, tay nghề so với các thị trường khác. Thời gian làm việc 5 - 6 tháng/đợt, nhưng thu nhập khá.
Năm 2024, tiếp nhận, giới thiệu 248 LĐ ngoài 35 tuổi đi làm việc tại 2 huyện Cheorwon và Yeoncheon (Hàn Quốc). Sau khi trừ các khoản chi phí, thu nhập bình quân 1,8 - 2,2 triệu won/tháng, tương đương 32 - 40 triệu đồng...
Từ thực tế đó, Đồng Tháp chọn giải pháp lao động thời vụ cho LĐ ngoài 35 tuổi và khởi động chính thức vào năm 2025. Trong đó phấn đấu tiếp nhận khoảng 1.850 LĐ. Bên cạnh đó, Đồng Tháp tiếp tục mở rộng hợp tác ở nhiều thị trường khác.
Xin cảm ơn ông!
https://laodong.vn/cong-doan/rong-cua-xuat-ngoai-cho-lao-dong-co-tuoi-bi-mat-viec-ve-que-1426645.ldo