Trang chủCông nhân 360Quan hệ lao động
Quan hệ lao động
Cập nhật lúc 08:39 03/12/2023 (GMT+7)
Mong có cơ chế hữu hiệu xử lý các doanh nghiệp trốn, chậm, nợ bảo hiểm xã hội

Công nhân lao động ở Tiền Giang gửi gắm tâm tư nguyện vọng đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, mong có cơ chế hữu hiệu trong việc xử lý các doanh nghiệp trốn, chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Anh Trần Thành Hải (29 tuổi, quê ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) - làm việc tại một doanh nghiệp ở cụm công nghiệp Trung An - cho biết, hiện nay, tình trạng trốn, chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động khi thực hiện chế độ có liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Do đó, anh mong muốn tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, các đại biểu sẽ quan tâm đưa vào Nghị quyết, kiến nghị nội dung trên đến Quốc hội, Chính phủ để xử lý đối với các doanh nghiệp có hành vi trốn, chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Công nhân lao động ở Tiền Giang kỳ vọng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sẽ kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên Công đoàn, người lao động. Ảnh: Thành Nhân
Công nhân lao động ở Tiền Giang kỳ vọng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sẽ kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ các vấn đề bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên Công đoàn, người lao động. Ảnh: Thành Nhân

“Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội là chuyện không mới, nhưng hành vi của doanh nghiệp trốn, chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội gây bức xúc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.

Do đó, tôi mong Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, các đại biểu sẽ quan tâm thảo luận, đề xuất cơ chế xử lý hợp lý và khả thi kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ khi sửa đổi các quy định trong Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Dân sự thì có quy định sẽ giao cho tổ chức Công đoàn có quyền đứng ra khởi kiện doanh nghiệp có hành vi trốn, chậm, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động, chứ không dừng lại là tổ chức Công đoàn thực hiện quyền giám sát, kiến nghị.

Việc quy định có quyền khởi kiện doanh nghiệp với hành vi trên sẽ đảm bảo vai trò của tổ chức Công đoàn thực hiện quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên Công đoàn, người lao động” - anh Hải kiến nghị.

Đồng quan điểm, anh Dương Văn Toàn (tên nhân vật đã được thay đổi) làm việc cùng doanh nghiệp với anh Hải cho hay, tại các địa phương, một số doanh nhiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động.

Đối với công nhân lao động thì hiểu biết pháp luật không nhiều, do đó, cần có quy định rõ ràng việc tổ chức Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp có hành vi trốn, chậm, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động. Qua đó, đáp ứng nguyện vọng, chính đáng của người lao động, từ đó, Công đoàn đảm bảo vai trò là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên Công đoàn, người lao động.

“Tôi mong rằng, tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, các đại biểu sẽ thảo luận để có kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội và các luật khác, sẽ là một bước tiến mới của tổ chức Công đoàn trong việc có thêm công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động” - anh Toàn chia sẻ.

https://laodong.vn/cong-doan/mong-co-co-che-huu-hieu-xu-ly-cac-doanh-nghiep-tron-cham-no-bao-hiem-xa-hoi-1274844.ldo

THÀNH NHÂN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: