Trang chủCông nhân 360Lao động năm châu
Lao động năm châu
Cập nhật lúc 12:07 07/08/2020 (GMT+7)
Công nhân xây dựng trên thế giới bị mắc kẹt giữa nguy cơ nhiễm virut corona và mất việc

Công nhân xây dựng tại thị trấn Forres, Scotland đang chờ bắt đầu ca làm việc. Ảnh: Alamy/Peter Devlin

Mỗi ngày, anh Ozkan, một công nhân xây dựng ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đều mất hai tiếng rưỡi đi dường để đến nơi làm việc và phần khó khăn nhất đối với anh sau một hành trình dài trong ngày là nỗi sợ hãi về rủi ro có thể nhiễm corona. Ozkan cho biết điều kiện làm việc ở công trường rất tệ hại và anh cảm thấy bị tổn thương về mặt tâm lý bởi lúc nào cũng lo lắng rằng mình có thể nhiệm bệnh và lây bệnh cho người khác, đặc biệt là vợ và con trai 8 tuổi. “Chúng tôi không có cách nào để tự khử trùng trên công trường, vì vậy ngay khi về đến nhà, tôi đi thẳng vào nhà tắm. Tôi không dám ôm hôn con mà chỉ có thể chào cháu từ xa.”

Ở các nước, chính phủ yêu cầu người dân ở nhà để bảo vệ bản thân và những người khác trước đại dịch Covid-19, nhưng hàng triệu công nhân xây dựng vẫn đang làm việc và bị mắc kẹt giữa nguy cơ sức khỏe và mất đi sinh kế. Theo ông Ambet Yuson, Tổng thư ký Công đoàn xây dựng và gỗ toàn cầu (BWI): “Sức khỏe và an toàn là rất quan trọng, nhưng ở những nơi không có hệ thống an sinh xã hội tốt, thì bạn có thể chết vì corona nhưng cũng có thể chết vì đói.”

Công đoàn xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hơn 15.000 công nhân xây dựng ở Istanbul buộc phải nghỉ việc, hầu hết không được bất kỳ khoản bồi thường nào trong khoảng hai tuần đầu tháng 3 vừa qua khi các công trường tạm dừng hoạt động hoặc cắt giảm lao động. Ở Istanbul có khoảng 295.000 người làm việc trong ngành xây dựng và ở toàn Thổ Nhĩ Kỳ có hơn một triệu công nhân xây dựng. Công nhân cho biết những người còn làm việc được áp dụng một vài biện pháp bảo vệ nhưng trong một nghề nguy hiểm như xây dựng thì rất khó để thực hiện giãn cách xã hội.

Khẩu trang được phát tại một số công trường nhưng không nhiều. Không có hướng dẫn cách sử dụng khẩu trang và cũng không có đủ khẩu trang. Ngoài ra, không có biện pháp phòng ngừa nào khác”, theo bác sĩ Ercan Duman, thành viên Ủy ban y tế lao động và sức khỏe nghề nghiệp Istanbul. Một báo cáo mới đây của Tổng Công đoàn Tiến bộ Thổ Nhĩ Kỳ (DISK) cho biết đoàn viên của họ xét nghiệm dương tính với COVID-19 có tỷ lệ cao gấp ba lần so với tỷ lệ trung bình cứ 1000 người được xét nghiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tại công trường nơi Ozkan và khoảng 70 người khác đang làm việc, sự thay đổi duy nhất là yêu cầu công nhân ngồi tách biệt trong khi ăn, một biện pháp mà theo anh là “vô nghĩa” trong điều kiện tiêu chuẩn vệ sinh kém tại khu ăn uống tạm thời của họ.

Video và hình ảnh được lưu hành trên phương tiện truyền thông xã hội do các công đoàn ở Thổ Nhĩ Kỳ và những người ủng hộ cung cấp cho thấy công nhân chật kín trong các quán ăn và ở chung 10 người một phòng tại các ký túc xá nơi công trường. Miêu tả về chỗ ở của công nhân tại công trường, Ozkan nói: “Đường phố sạch sẽ hơn nhưng bạn phải sống bẩn thỉu. Điều này trái với phẩm giá con người.”

Có phải đây là công việc thiết yếu?

Ngành xây dựng được giám sát kỹ lưỡng ở nhiều quốc gia trong bối cảnh đại dịch và các chính phủ cũng đưa ra các chính sách riêng - không phải lúc nào cũng rõ ràng - về các hoạt động được coi là thiết yếu và được phép tiếp tục triển khai ngay cả khi thực hiện cách ly xã hội và ở trong nhà. Ông Ian Woodland, cán bộ công đoàn ngành xây dựng Anh và Ailen nói: “Công chúng lo ngại là điều dễ hiểu. Họ nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy công trường vẫn hoạt động bình thường, không thấy thực hiện giãn cách xã hộ. Một số dự án cơ sở hạ tầng được xem là cấp thiết như xây dựng bệnh viện, nhưng còn những dự án khác như xây dựng căn hộ cao cấp vẫn đang được xây dựng, về bản chất là không cấp thiết.”

Công đoàn xây dựng Anh ước tính khoảng một phần tư số công trường xây dựng ở Anh thực hiện tạm ngừng công việc trong bối cảnh đại dịch. Công đoàn kêu gọi thực hiện các biện pháp cứng rắn để đảm bảo an toàn cho công nhân và họ không phải làm việc ở các dự án không thiết yếu. Gần 130 đại biểu quốc hội Anh đã ký bức thư bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ lây nhiễm virut corona gia tăng khi các nơi làm việc không thiết yếu vẫn hoạt động, trong đó có các công trường xây dựng. Các cuộc tranh luận tương tự cũng diễn ra tại các thành phố lớn ở Hoa Kỳ, với 10.000 đoàn viên Công đoàn ngành xây dựng thành phố Boston ngừng việc vì lo ngại về sức khỏe và an toàn liên quan đến virut corona.

Theo ông Yuson từ Công đoàn Xây dựng và Gỗ toàn cầu (BWI): “Chúng tôi cho rằng các công việc về xây dựng thiết yếu có thể tiếp tục thực hiện nếu có biện pháp phòng ngừa về sức khỏe và an toàn. Nhưng nếu đóng cửa, thì phải chắc chắn người lao động được đảm bảo về thu nhập và việc làm.” Thế nhưng, nhiều công việc của ngành xây dựng, và cấu trúc ngành xây dựng ở nhiều quốc gia khiến cho khó đảm bảo điều này. Ví dụ: với một số công việc nhất định trên công trường, việc ghép đôi là cần thiết vì lý do an toàn cũng như tính chất của công việc, nhưng “không thể thực hiện giãn cách xã hội theo khuyến cao là hai mét đối với mọi hoạt động ngành xây dựng”, ông Woodland nói. “Đi làm, dù bằng xe buýt của công ty hay bằng phương tiện giao thông công cộng, xếp hàng hàng tiếng đồng hồ trong ngày để vào nơi làm việc, xếp hàng vào căng tin và đi vệ sinh - hầu như không thể thực hành giãn cách xã hội trong các tình huống đó.”

Người lao động di cư và có việc làm bấp bênh

Ở nhiều nước, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh, công nhân xây dựng phần lớn là những người lao động tự do, làm việc không thường xuyên/ không cố định cho các công ty hoặc các nhà thầu phụ, và vì vậy khiến họ không thuộc đối tượng của các chương trình tạm nghỉ việc được hưởng lương của công ty hoặc được trợ cấp của chính phủ dành cho người thất nghiệp. Phần lớn lực lượng lao động ngành xây dựng ở Istanbul và các thành phố lớn khác ở Thổ Nhĩ Kỳ là những người lao động di cư trong nước từ các thị trấn nhỏ và các tỉnh nông thôn đến thành phố và các tỉnh đô thị. Những người đã mất việc trước và không được bồi thường thường trở về quê, và thậm chí họ có thể nhiễm và lây truyền virus. Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm dừng hầu hết các chuyến vận chuyển hành khách liên tỉnh từ cuối tháng 3, và những người mất việc từ thời điểm đó ở lại các thành phố nơi họ làm việc và thường không có nhiều sự hỗ trợ tài chính hoặc hỗ trợ xã hội.

Kịch bản tương tự diễn ra ở những nơi khác. Việc hạn chế đi lại ở Ấn Độ khiến nhiều người di cư trong nước, chủ yếu là công nhân xây dựng, bị mắc kẹt ở các thành phố mà không có thức ăn”, ông Yuson nói. “Họ phải làm việc mới có tiền, vì vậy mà bạn vẫn thấy nhiều người trên đường phố. Họ vẫn đi làm hoặc cố gắng tìm việc.” Hay ở các nước vùng Vịnh như Qatar và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), cả hai nước đều có phát triển mạnh về xây dựng, các biện pháp bảo vệ dành cho những người không phải là công dân hay người nhập cư bị giảm đi và các khoản hỗ trợ cho các công ty buộc phải sa thải lao động tăng lên. Theo chị Isobel Archer, trợ lý dự án Trung tâm nguồn lực về kinh doanh và quyền con người (BHRRC): “Mặc dù các biện pháp đưa ra đều yêu cầu phải thảo luận và có sự đồng ý của công nhân, nhưng những người lao động nhập cư dễ bị tổn thương và không có vị thế để thương lượng”. “Cả hai quốc gia này đều áp dụng biện pháp đóng cửa các địa điểm xã hội, hủy hoặc hoãn các sự kiện, nghĩa là họ nhận thức rất rõ ràng về ảnh hưởng của virut corona đối với sức khỏe cộng đồng”. Điều đó để nói rằng rất đáng báo động khi không có sự bảo vệ phù hợp đối với những người lao động nhập cư. Chính phủ Qatar yêu cầu các công ty xây dựng tư nhân giảm giờ làm việc trên các công trường xây dựng và tăng các biện pháp an toàn sức khỏe và nghề nghiệp, nhưng bảy trong số 14 công ty xây dựng mà BHRRC khảo sát cho thấy không có kế hoạch phù hợp về để bảo vệ người lao động nhập cư.

Công đoàn Gỗ và Xây dựng Quốc tế BWI cùng với các tổ chức công đoàn khác kêu gọi tăng dịch vụ y tế trên các công trường xây dựng, xét nghiệm và điều trị corona miễn phí, giảm lực lượng lao động trên công trường và tăng số ca làm việc để thực hiện giãn cách xã hội. Anh Ozkan, công nhân xây dựng Istanbul cho biết: “Khi ai đó nói ra những lo ngại của họ, trước tiên các công ty sẽ trì hoãn, sau đó sẽ sa thải những người phàn nàn và bạn sẽ không được thuê ở bất kỳ công trường nào khác”. Theo các công đoàn ở Thổ Nhĩ Kỳ, công nhân bị sa thải nếu không ký vào tuyên bố là công ty sẽ không chịu trách nhiệm nếu họ bị nhiễm virut trong khi làm việc. “Do sự bấp bênh trong công việc, công nhân ngại nêu các vấn đề vì nêu nói ra, họ sẽ bị đưa vào danh sách đen và không thể tìm được việc ở bất kỳ đâu”, ông Woodland cho biết. “Họ có thể vỗ vai bạn và bảo bạn rằng bạn không cần đến công trường nữa. Đó là lý do mà các vấn đề về sức khỏe và an toàn không được công nhân nói ra.”

Theo nguồn tin Tổng Công đoàn Quốc tế (ITUC)

 

In
Về đầu
Lượt truy cập: