Trang bị kiến thức phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Hà Nội – Ngày 21.3, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức khoá đào tạo giảng viên nguồn về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Khoá đào tạo giảng viên nguồn về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc diễn ra từ 21-23.3. Ảnh: Linh Nguyên
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Chương trình Better Work Việt Nam, Dự án “Thúc đẩy, tuân thủ và đối thoại trong chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam” và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm thúc đẩy tuân thủ pháp luật lao động của Việt Nam trong ngành dệt may, da giầy, điện tử.
Đối tượng đào tạo là cán bộ Liên đoàn Lao động 8 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp tham gia Dự án.
Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Thanh Hà – Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn cho biết, khoá đào tạo sẽ trang bị kiến thức để những cán bộ Công đoàn trở thành giảng viên nguồn về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Đội ngũ này không chỉ làm truyền thông tại địa phương mình mà còn có thể di chuyển sang các địa phương nơi chưa có giảng viên để truyền thông; đồng thời nhân rộng đội ngũ xuống đến các doanh nghiệp…
Bác sĩ, chuyên gia về giới Đỗ Việt Dũng hướng dẫn cán bộ Công đoàn thực hành kỹ năng. Ảnh: Linh Nguyên
Theo bà Nguyễn Hồng Hà - Giám đốc Chương trình Better Work kiêm quản lý các Dự án điện tử của ILO, tháng 6.2019, ILO thông qua Công ước về Quấy rối và Bạo lực (Số 190) và Khuyến nghị kèm theo (Số 206), thể hiện tuyên bố rõ ràng của ILO rằng bạo lực và quấy rối nói chung, quấy rối tình dục nói riêng trong thế giới việc làm sẽ không được dung thứ và phải kết thúc.
Những công cụ mang tính bước ngoặt này đặt ra một khuôn khổ chung để ngăn chặn và giải quyết bạo lực và quấy rối, dựa trên cách tiếp cận toàn diện, tích hợp và có trách nhiệm giới.
Cùng với những nỗ lực toàn cầu, tại Việt Nam, ILO đã và đang thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ đối tác ba bên thực hiện hiệu quả các hành động phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, ví dụ như hỗ trợ xây dựng các quy định chi tiết về quấy rối tình dục trong Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ quy tắc ứng xử, xây dựng cẩm nang, hướng dẫn dành cho cả người lao động và người sử dụng lao động, thực hiện các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực.
Trong khuôn khổ dự án “Cải thiện tuân thủ và đối thoại trong chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam”, ILO tiếp tục phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện chương trình “Đào tạo Giảng viên nguồn về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc”.
Chương trình bao gồm các lớp đào tạo giảng viên nguồn và hoạt động thí điểm các lớp đào tạo về phòng, chống quấy rối tình dục do chính cán bộ Công đoàn cấp tỉnh thực hiện cho cán bộ Công đoàn cơ sở…
Trong thời gian từ 21 – 23.3, học viên được các bác sĩ, chuyên gia về giới tập huấn về khái niệm quấy rối tình dục tại nơi làm việc, làm sao nhận biết được quấy rối tình dục tại nơi làm việc, ai có thể là nạn nhân của quấy rối tình dục tại nơi làm việc, tại sao nạn nhân bị quấy rối tình dục là nữ nhiều hơn, xử lý và phòng ngừa quấy rối tình dục tại nơi làm việc…cũng như kỹ năng của giảng viên.
https://laodong.vn/cong-doan/trang-bi-kien-thuc-phong-chong-quay-roi-tinh-duc-tai-noi-lam-viec-1169938.ldo
LINH NGUYÊN (Báo lao động)