Phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS là vấn đề sống còn
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam, năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, năm diễn ra kỷ niệm 95 năm Ngày Thành lập Công đoàn Việt Nam và là năm Luật Công đoàn sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua.
Với tinh thần sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vào cuộc sống, ngay sau đại hội, Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN đã sớm chỉ đạo xây dựng các Nghị quyết, chương trình nhằm cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết, xác định chủ đề công tác công đoàn (CĐ) năm 2024 trong đó đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và 12 chỉ tiêu phấn đấu thực hiện.
Cho ý kiến vào một trong những nội dung Dự thảo Báo cáo kết quả công tác CĐ năm 2024; Chương trình công tác CĐ năm 2025 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN do Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Thái Thu Xương trình bày là công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS năm 2024.
Kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS năm 2024 đề ra phát triển thực tăng 1 triệu đoàn viên (tương đương 26% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam). Nhiều nơi, CĐ chủ động tham mưu cấp ủy Đảng, xây dựng kế hoạch, kiện toàn ban chỉ đạo, tổ công tác, tổ chức khảo sát, thống kê làm cơ sở cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, thể hiện quyết tâm chính trị lớn, đã có 32 đơn vị thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu của Tổng LĐLĐVN giao. Tuy nhiên, so với mục tiêu kế hoạch năm 2024 đề ra mới đạt được khoảng 2/3, một số đơn vị số thực tăng còn rất thấp so với số giao của Tổng LĐLĐVN.
Về công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, ông Phạm Quang Thanh - Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội - cho biết, năm 2024, Hà Nội thành lập được gần 1.000 CĐCS nhưng số lượng đoàn viên phát triển lại thấp. Một trong những nguyên nhân là do số lượng NLĐ của từng doanh nghiệp rất ít…
Ông Thanh cũng phản ánh thực tế về việc thành lập, hoạt động, chăm lo cho NLĐ ở các nghiệp đoàn cơ sở. Từ đó đề nghị phải có chuyên đề về vấn đề này vì xu hướng NLĐ dịch chuyển từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức ngày càng phổ biến, nhất là ở các đô thị lớn…
Cùng quan điểm với ông Thanh, bà Phan Thị Thúy Linh - Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng cho hay, khi dự kiến thành lập 3 nghiệp đoàn cơ sở thì số lượng đoàn viên chỉ là 500 người. Nhưng đến khi vận động, thành lập, số lượng đoàn viên lên đến 2.000 người. Điều này cho thấy sự dịch chuyển của NLĐ từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức đang diễn ra rất nhanh và với số lượng rất lớn.
Từ thực tế đó, ông Phạm Quang Thanh, bà Phan Thị Thúy Linh đề nghị phải sớm có nghiên cứu về hoạt động của nghiệp đoàn cơ sở, trong đó có kinh phí hoạt động…
Còn ông Tô Xuân Thao - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh, bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương đề nghị sớm có sự chuẩn bị cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS theo sự phát triển các cụm công nghiệp sẽ được thành lập của các địa phương.
Về nội dung này, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang cho biết, với thực tế hiện nay và để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, cần sớm có nghiên cứu về nghiệp đoàn cơ sở. Chủ đề hoạt động năm 2025 là “Tập trung phát triển đoàn viên; tham gia xây dựng Đảng trong sạch trong sạch, vững mạnh”.
Bên cạnh đó, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS là vấn đề sống còn nên chỉ bàn làm, không bàn lùi để thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong năm 2025.
Tập trung cho CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở
Tờ trình ban hành Đề án về “Hỗ trợ CNLĐ tại các KCN, KCX trong việc chăm sóc, nuôi dạy con giai đoạn 2025 - 2028” cũng do Phó Chủ tịch Thường trực Thái Thu Xương trình bày nhận được các ý kiến đóng góp, gồm xem xét mở rộng đối tượng được hỗ trợ; chất lượng đội ngũ giáo viên, xây dựng mô hình, xây dựng chính sách…
Phó Chủ tịch Huỳnh Thanh Xuân trình bày Tờ trình Đề án “Định hướng công tác thông tin đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Một trong điểm đáng chú ý của Đề án là tạo bước đột phá, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện truyền thông nền tảng số, truyền thông mạng xã hội (như Facebook, Twitter, YouTube, Vimeo,…); ứng dụng công nghệ số để từng bước chuyển đổi từ phương thức truyền thống sang kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, hình thức thực tế ảo với các công nghệ truyền thông mới trong tương lai; đẩy mạnh thực hiện Infographic và các hình thức thông tin trực quan về các hoạt động đối ngoại quan trọng của đất nước, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Ngọc Hiển - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Tổng Biên tập Báo Lao Động, để thông tin các hoạt động của tổ chức CĐ ra nước ngoài, từ ngày 14.8 Báo Lao Động đã có trang tiếng Anh. Điều đặc biệt ở đây là hoàn toàn sử dụng AI, có thể cùng 1 lúc dịch nội dung sang trên 100 thứ tiếng. Khi mới bắt đầu đưa vào sử dụng thì cần có người hiệu đính và “dậy” cho AI một số từ. Nhưng vào thời điểm này, trong 50 bài chỉ có 1 bài cần chỉnh sửa từ, trong bài đấy cũng chỉ có 1-2 từ cần sửa…
Đối với Dự thảo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 4a/NQ-TLĐ ngày 24.6.2014 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN (khóa XI) về nâng cao hiệu quả hoạt động của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động CĐ trong tình hình mới do Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Xuân Hùng, cả Chủ tịch LĐLĐ địa phương và Chủ tịch CĐ ngành đều phản ánh sự khó khăn về số lượng cán bộ cũng như kinh phí hoạt động. Theo đó, ở các nơi, số lượng cán bộ CĐ cấp này quá ít so với số lượng đầu mối CĐCS. Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang, thời gian tới cần tập trung cho CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở.
Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 8 (khóa XIII) diễn ra trong 2 ngày 5-6.12.
https://laodong.vn/cong-doan/som-co-nghien-cuu-ve-nghiep-doan-co-so-day-manh-phat-trien-doan-vien-1430966.ldo