Những bất cập hiện hữu
Nếu chứng kiến một ngày làm việc của nhân viên y tế ở Trung tâm cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) mới thấy họ phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ áp lực về tình trạng quá tải, bệnh nhân nặng cũng như áp lực từ chính bản thân mình về chuyên môn. Công việc tại phòng cấp cứu là những đêm trắng, các bác sĩ và nhân viên y tế mải miết làm việc.
Bác sĩ Phạm Thu Trà - Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, chuyện y, bác sĩ đến 22 giờ đêm chưa ăn cơm tối, thậm chí mệt đến quên cả ăn là chuyện thường ngày. Bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai phải đi làm từ 5-6 giờ sáng để kịp thăm khám cho người bệnh. Thế nhưng cả đêm trực, y, bác sĩ có thù lao 115.000 đồng, rất vất vả, áp lực không chỉ về chăm sóc người bệnh mà còn bị cả áp lực bạo hành từ người nhà người bệnh. Nhiều y, bác sĩ làm việc và trực 24/24h, sáng hôm sau vẫn sẵn sàng đi chỉ đạo cho tuyến dưới.
"Một đêm trực vất vả nhưng nhân viên y tế nhận 115.000 đồng. Trong khi đó, một bác sĩ học 6 năm ra trường và học thêm 18 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề" - bác sĩ Trà cho hay.
TS.BS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - tâm sự: Ca mổ dài hay ngắn, kể cả những ca phẫu thuật đặc biệt như ca ghép đồng thời tim-gan vừa thành công, các bác sĩ chính, người gây mê chính cũng chỉ được nhận phụ cấp 280.000 đồng - mức dành cho các bệnh viện hạng cao nhất. Các bác sĩ phụ mổ, phụ gây mê hồi sức phụ cấp còn 200.000 đồng. Mà bác sĩ của chúng tôi đứng từ 8-12 tiếng để thực hiện ca ghép cũng chỉ phụ cấp như vậy".
Một bác sĩ công tác tại một bệnh viện hạng 2 ngậm ngùi: Bản thân bác sĩ mỗi tháng sẽ trực khoảng 5 - 7 ngày, nhưng tổng tiền phụ cấp trực chưa đến 1 triệu đồng. Phụ cấp 90.000 đồng và 15.000 tiền ăn cho ca trực suốt 24h, từ sáng hôm trước đến sáng hôm sau. Tiền ăn này chưa mua nổi bát phở. Còn tại tuyến dưới, tiền trực, phụ cấp còn thấp hơn. Tiền trực ngày thường của nhân viên trạm y tế xã hiện 18.750 đồng/đêm, ngày cuối tuần là 32.500 đồng, còn tiền ăn 15.000 đồng/đêm.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai chia sẻ: 13 năm trước, một tô phở có giá 10.000 đồng, nhưng đến nay đã lên đến 40.000-50.000 đồng, tức là giá cả thị trường đã tăng gấp 4-5 lần. Một nhân viên của trạm y tế trực 24 giờ được 25.000 đồng, chưa đủ tiền mua một tô phở.
Mong từng ngày tăng phụ cấp
Ngày 28.12.2011, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.
So với thời điểm Quyết định 73 ra đời, hiện mức lương cơ sở đã tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tức gấp gần 3 lần), trong khi đó mức phụ cấp đặc thù vẫn giữ nguyên. Điều này khiến công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập cảm thấy không phù hợp, không xứng đáng đối với công sức, sự vất vả của nhân viên y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đề xuất điều chỉnh phụ cấp đối với nhân viên y tế: Cái gì cũng phải có chính sách thỏa đáng với công sức lao động của kỹ sư, thầy giáo hay nhân viên y tế… đã bỏ ra. Các khoản phụ cấp cho nhân viên y tế vẫn thực hiện theo Quyết định 73/2011, đến nay đã 13 năm nên rất lạc hậu. Tổng mức phụ cấp cho một ca mổ hạng đặc biệt kéo dài từ 6-8 tiếng là 1,480 triệu đồng. Tăng phụ cấp, tiền trực cho nhân viên y tế là việc làm cần thiết, hướng tới sự công bằng cho y, bác sĩ trong bối cảnh giá cả tiêu dùng leo thang, mức phụ cấp theo quy định cũ đã trở nên lạc hậu.
TS.BS Nguyễn Đình Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) - bày tỏ mong muốn: Chế độ đãi ngộ đặc biệt là cần thiết để phản ánh đúng giá trị và trách nhiệm của nghề y. Bởi vì y bác sĩ làm việc trong môi trường có nhiều áp lực và rủi ro, họ cần được đãi ngộ tương xứng với công sức bỏ ra và nguy cơ phải đối mặt. Chế độ đãi ngộ tốt là những yếu tố quan trọng giúp giữ chân nhân lực y tế.
* PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam - cho rằng, mức phụ cấp của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập theo Quyết định số 73 quá thấp và không còn phù hợp. Hiện nay, Bộ Y tế tiếp tục kiến nghị Đảng, Chính phủ, Quốc hội để có những thay đổi phù hợp đối với cách tính tiền lương, phụ cấp đối với đội ngũ nhân viên y tế cần có những đặc thù phù hợp. Về mức hưởng phụ cấp ưu đãi nghề cần có sự điều chỉnh, bổ sung, phân định mức độ được hưởng phù hợp với các vị trí việc làm của từng lĩnh vực cụ thể. Các chế độ phụ cấp trực và ưu đãi nghề, thâm niên nghề cần được thay đổi.
“Đề xuất tăng mức tiền trực, phụ cấp cho nhân viên y tế là một tín hiệu đáng mừng nhằm trả lại công bằng cho những người đang đảm nhận loại công việc khó, đòi hỏi nỗ lực rất lớn và trách nhiệm rất cao trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Thực tế là người lao động ngành y tế đã và đang mong chờ một quyết định thay đổi về phụ cấp trực, phẫu thuật, chống dịch từ rất lâu, bởi đúng là “có thực mới vực được đạo”, không thể dấn thân khi đời sống của mình còn đang bấp bênh…” - bà Bình nói thêm.
* PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết: 13 năm qua, cuộc sống nhiều thay đổi, tình trạng trượt giá xảy ra thường xuyên, song mức phụ cấp cho nhân viên y tế vẫn giữ nguyên là thiệt thòi cho y, bác sĩ. Việc điều chỉnh tăng phụ cấp tiền trực, tiền mổ là cần thiết, giúp y, bác sĩ phần nào đảm bảo nhu cầu cuộc sống và yên tâm làm việc chuyên môn của mình... Thực tế, nhiều nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc cường độ cao trong thời gian kéo dài, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe thể chất, tinh thần. Trong khi lương và phụ cấp chỉ đảm bảo một phần nhu cầu cuộc sống, không tương xứng với đặc thù làm việc và quá trình đào tạo… “Rất mong Dự thảo Quyết định về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập trình lên Chính phủ sớm được thông qua trong năm 2024” - PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh nói.
https://laodong.vn/cong-doan/nhan-vien-y-te-tung-ngay-mong-duoc-tang-phu-cap-tien-truc-1417041.ldo