Là người được tham gia lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật của LĐLĐ tỉnh Hòa Bình, anh Đoàn Đình Hạnh (43 tuổi, công nhân Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam, Khu công nghiệp Bờ trái Sông Đà, phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình) thông tin, công nhân, người lao động của công ty rất vui mừng khi được tham gia lớp phổ biến pháp luật.
Tại đây công nhân được giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến các vấn đề về hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm.
Ông Nguyễn Long - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam - đánh giá, các lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật của LĐLĐ tỉnh đã giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về các chế độ chính sách và nghĩa vụ liên quan. Đây là hoạt động thực sự bổ ích để người công nhân nhận thấy rằng người lao động rất cần hiểu biết pháp luật, những điều liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình.
Ông Nguyễn Đức Thuận - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Hòa Bình - cho biết, tính đến hết tháng 10.2024, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức và phối hợp tổ chức 17 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 1.580 người tham gia trong đó 9 lớp bằng nguồn kinh phí Công đoàn và 8 lớp bằng nguồn kinh phí của Bảo hiểm xã hội tỉnh.
Theo ông Thuận, đối tượng tham gia các lớp chủ yếu là công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nội dung tuyên truyền phổ biến xoay quanh các vấn đề liên quan đến Bộ luật Lao động, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Các lớp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và còn giải đáp về chế độ tiền lương, ký kết hợp đồng lao động...
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Hòa Bình thông tin, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật cho công nhân lao động, thông qua đó giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về các chế độ chính sách và nghĩa vụ liên quan. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật của đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, nâng cao khả năng tự bảo vệ quyền lợi người lao động và tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới.
Cũng theo ông Thuận, để việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân, người lao động đạt hiệu quả, LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn đã đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền bằng cách lồng ghép trong các buổi hội nghị tập huấn, sinh hoạt, các cuộc họp cơ quan và tại các buổi thành lập công đoàn cơ sở. Đặc biệt, đơn vị thực hiện giáo dục, phổ biến pháp luật cần phải nghiên cứu đặc điểm từng nhóm đối tượng, từ đó xây dựng phương pháp tuyên truyền cho phù hợp; nhân rộng nhiều hơn nữa mô hình phổ biến giáo dục, pháp luật tại các doanh nghiệp trong toàn tỉnh, để pháp luật thực sự là công cụ quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
“Đối với nhiệm vụ giáo dục, phổ biến pháp luật trong công nhân, người lao động, thời gian tới LĐLĐ tỉnh sẽ chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền am hiểu các vấn đề về chính sách pháp luật, có kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ tốt. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, hướng về cơ sở để từng bước nâng cao nhận thức về pháp luật cho đoàn viên, người lao động” - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Hòa Bình thông tin.
https://laodong.vn/cong-doan/nang-cao-kha-nang-tu-bao-ve-quyen-loi-cua-nguoi-lao-dong-1417084.ldo