Toàn cảnh hội nghị lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn năm 2024. Ảnh: Bảo Hân
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Luật Công đoàn 2024 được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8 vào ngày 27.11.2024.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, cán bộ công đoàn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn năm 2024 được tổ chức trước yêu cầu của việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Việc xem xét sửa đổi Luật Công đoàn 2024 gắn với việc sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Thanh Niên, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, tức là một luật sửa đổi 4 luật.
Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, việc sửa đổi luật lần này tập trung vào những nội dung liên quan đến tinh gọn tổ chức bộ máy. Theo yêu cầu của Đảng, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng đề án về sắp xếp tinh gọn tổ chức cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bảo Hân
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, việc tinh gọn trong mối quan hệ giữa cơ quan Mặt trận Tổ quốc với tổ chức Công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội; bỏ cấp huyện; kết thúc hoạt động của Công đoàn Viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang là những nội dung chính phải xem xét trong sửa đổi Luật Công đoàn lần này.
Phó Chủ tịch mong muốn các chuyên gia, cán bộ công đoàn đóng góp ý kiến về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn năm 2024, với mục tiêu là tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy được vai trò của Công đoàn sau khi tinh gọn tổ chức, bộ máy.
https://laodong.vn/cong-doan/lay-y-kien-ve-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-cong-doan-nam-2024-1503878.ldo