Lao động nữ phấn khởi
Chị Nguyễn Thị Lan (quê huyện Kim Bôi, Hòa Bình) hiện đang làm nhân viên hành chính tại một công ty phần mềm đóng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Chị Lan vừa mang thai con đầu lòng, dự sinh tháng 8.2025.
Sau khi tìm hiểu Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024, chị Lan rất vui mừng vì sẽ được hưởng thêm quyền lợi so với Luật BHXH 2014.
“Tôi nghiên cứu kỹ thấy Điều 51 Luật BHXH 2024 quy định về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai từ ngày 1.7.2025 tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày. Như vậy, tổng thời gian khám thai trong thai kỳ là 10 ngày, gấp đôi so với Luật BHXH năm 2014”, chị Lan nói.
Cũng vui mừng vì được tăng thời gian khám thai, chị Hoàng Thị Hiền - nhân viên một công ty may đóng tại quận Hà Đông không giấu nổi vui mừng. Chị Hiền lấy chồng gần chục năm, sau nhiều năm kiên trì chữa trị hiếm muộn, chị đã đậu phôi và dự kiến chuyển phôi vào tháng 4.2025.
“Tôi đã 40 tuổi, mang thai tự nhiên tuổi này đã vất vả chứ chưa nói đến phải can thiệp như tôi. Việc được hưởng thời gian khám thai gấp đôi so với luật cũ khiến tôi rất vui mừng. Có thêm thời gian kiểm tra, tôi thêm yên tâm”, chị Hiền xúc động nói.
Cũng theo chị Hiền, Luật BHXH 2024 còn mở rộng điều kiện hưởng cho lao động nữ hiếm muộn, bổ sung thêm quy định cho phép lao động nữ sinh con phải nghỉ việc để điều trị vô sinh thì chỉ cần đóng BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con là đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Thêm nhiều quyền lợi
Luật BHXH năm 2024 chính thức có hiệu lực từ 1.7.2025, trong đó, có sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến quyền lợi của lao động nữ.
Trước hết, luật mở rộng điều kiện hưởng cho lao động nữ hiếm muộn. Theo đó, Luật BHXH năm 2024 có bổ sung quan trọng cho trường hợp lao động nữ sinh con phải nghỉ việc để điều trị vô sinh.
Thực tế cho thấy, nhiều lao động nữ hiếm muộn phải xin nghỉ việc không lương nhiều tháng (không đóng BHXH bắt buộc trong thời gian này) để điều trị vô sinh, hoặc phải nghỉ dưỡng thai sớm khi đậu thai. Do đó, họ khó đáp ứng được điều kiện thời gian đóng BHXH trong 12 tháng trước thời điểm sinh con theo Luật BHXH năm 2014.
Luật BHXH năm 2024 đã bổ sung thêm quy định cho phép lao động nữ sinh con phải nghỉ việc để điều trị vô sinh thì chỉ cần đóng BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con là đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Quy định trên sẽ giúp nhiều lao động nữ rơi vào cảnh hiếm muộn, điều trị vô sinh có cơ hội được nhận chế độ thai sản, hỗ trợ họ trong thời gian sinh con.
Theo Luật BHXH 2014, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.
Luật BHXH năm 2024 quy định rõ: "Lao động nữ mang thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để đi khám thai tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày".
Luật BHXH 2024 cũng tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ sảy thai.
Theo đó, khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung thì lao động nữ mang thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 10 ngày đến 50 ngày, tùy vào độ tuổi thai nhi.
Theo Luật BHXH 2014, lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tối đa 50 ngày trong trường hợp này khi thai từ đủ 25 tuần tuổi trở lên.
Luật BHXH năm 2024 điều chỉnh giảm điều kiện này xuống, chỉ cần thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên là được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tối đa 50 ngày.
https://laodong.vn/cong-doan/lao-dong-nu-phan-khoi-vi-duoc-bo-sung-them-che-do-thai-san-1458715.ldo