Lao động dễ mất việc nếu không cập nhật kiến thức, kỹ năng mềm
Sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động thời đại 4.0 và AI lên ngôi khiến lao động dễ mất việc nếu không cập nhật kiến thức và một số kỹ năng mềm.
Nếu không cập nhật kiến thức, kỹ năng mềm, lao động rất dễ mất việc trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: Quỳnh Chi
Chị Nguyễn Ngọc Anh có 6 năm làm nhân viên phụ trách nhân sự của một công ty sản xuất hàng tiêu dùng tại phường Từ Liêm (Hà Nội). Công ty có khoảng 250 nhân sự, trong đó công nhân trực tiếp sản xuất khoảng 220 người.
6 năm qua, công việc của chị Ngọc Anh thuần túy về quản lý nhân sự, phối hợp với một số bộ phận tuyển dụng lao động theo yêu cầu lãnh đạo. “Tuy nhiên, công việc ở một công ty trực tiếp sản xuất khá vất vả, tỉ lệ biến động lao động khá lớn nên công việc của tôi khá bận”, chị Ngọc Anh cho hay.
Từ cuối năm 2024, chị Ngọc Anh được lãnh đạo công ty giao thêm nhiệm vụ kết nối trực tiếp với một số đơn vị tuyển dụng lớn để số hóa mảng tuyển dụng; liên hệ với các công ty đào tạo về AI để tập huấn thêm các kỹ năng liên quan đến trí tuệ nhân tạo cho các bộ phận trong công ty, đặc biệt là mảng nhân sự và bán hàng.
“Việc liên hệ với các đơn vị tuyển dụng không khó khăn với tôi, nhưng lãnh đạo yêu cầu tôi phối hợp với các đơn vị đào tạo AI và lập kế hoạch đào tạo chi tiết việc ứng dụng AI trong quản lý nhân sự, bán hàng là bài toán khó đối với cá nhân tôi. 2 tháng đầu tiên được giao nhiệm vụ, mỗi ngày tôi đều dành thêm 1 tiếng để tìm hiểu, học hỏi từ những kiến thức cơ bản nhất”, chị Ngọc Anh nói.
Hiện, chị Ngọc Anh cơ bản nắm được các yêu cầu mới liên quan đến công việc. Chị cho biết, giai đoạn đầu có khó khăn nhưng hiện nay mọi việc dần đi vào ổn định: “Tôi trân quý cơ hội việc làm, không muốn mất việc nên được giao công việc mới không nề hà. Tôi hiểu, nếu tôi không cố gắng, công ty dễ dàng tuyển nhân sự mới trẻ hơn, năng động hơn và giỏi hơn tôi về các kỹ năng liên quan đến AI”.
Anh Trần Văn Quý làm việc tại hội sở chính tại Hà Nội của một công ty phần mềm, chức vụ phó phòng. Tháng 11.2024, anh Quý được lãnh đạo yêu cầu chuyển vào chi nhánh Đà Nẵng, phụ trách đào tạo mảng công nghệ mới cho gần 60 nhân viên chi nhánh trong thời gian 2 năm. Trong 2 năm “biệt phái”, nếu hội sở có công việc phát sinh liên quan đến chuyên môn, anh Quý vẫn phải quay ra hỗ trợ kỹ thuật.
“Ban đầu nhận được thông tin, tôi khá sốc. Từ khi vào làm việc tại doanh nghiệp, tôi chỉ làm việc tại Hà Nội trong suốt 9 năm, từ vị trí nhân viên lên phó phòng. Với đa số nhân sự, khi đã làm việc, gắn bó gần chục năm tại Thủ đô, vợ con ổn định, sẽ rất ngại luân chuyển đi địa phương khác, tôi cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, mảng công việc lãnh đạo yêu cầu triển khai tại chi nhánh Đà Nẵng khá mới, cả công ty chỉ có tôi và 2 nhân sự từng được cử đi học về lĩnh vực này. Một điểm mới nữa là khi làm việc tại Hà Nội, tôi chỉ “đóng vai” phó phòng, vào Đà Nẵng, tôi phải làm việc nhóm với chính nhân viên của mình và là người chỉ đạo toàn bộ các nhóm do chính tôi lập nên”, anh Quý chia sẻ.
Trao đổi với Lao Động, ông Lê Quang Trung – nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm cho hay, hiện nay, không ít doanh nghiệp triển khai nhiều mảng công việc mới liên quan đến công nghệ AI, mô hình làm việc từ xa, linh hoạt…
“Người lao động không còn làm một công việc cố định như trước mà cần đảm nhận thêm các chức năng mới, nhất là kỹ năng số, kỹ năng mềm và năng lực thích ứng với các yêu cầu mới từ người sử dụng lao động. Nhân sự hiện nay phải nhận thức được công nghệ đã, đang và sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống, sự vận hành của các doanh nghiệp. Do đó, nhiều công việc truyền thống sẽ thay đổi, tăng thêm yêu cầu hoặc “công nghệ hóa”. Thực tế này yêu cầu người lao động phải thích nghi, học thêm kỹ năng mới và chấp nhận thay đổi nếu không muốn bị đào thải”, ông Lê Quang Trung nói.
Ông Trung cũng lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, lao động không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm hay kỹ năng hiện có mà cần chủ động nâng cấp bản thân trên nhiều phương diện. “Phát triển kỹ năng mềm là yêu cầu và nền tảng thiết yếu để làm việc hiệu quả trong môi trường nhiều biến động. Bên cạnh đó, việc thành thạo công nghệ, khả năng tận dụng AI để hỗ trợ công việc cũng trở thành yêu cầu bắt buộc”, ông Trung nhận định.
https://laodong.vn/cong-doan/lao-dong-de-mat-viec-neu-khong-cap-nhat-kien-thuc-ky-nang-mem-1538211.ldo
Quỳnh Chi (BÁO LAO ĐỘNG)