Ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, ông Bùi Xuân Vinh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình - đồng chủ trì buổi tọa đàm.
Tham dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Bình, các lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, lãnh đạo các ban thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, lãnh đạo các Công đoàn ngành, huyện thành phố và một số cán bộ, lãnh đạo Công đoàn cơ sở có đông đảo đoàn viên, công nhân viên chức lao động trong tỉnh.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Nam Hồng
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trình bày tham luận, cùng nhau trao đổi, làm rõ một số vấn đề liên quan đến thực trạng hoạt động của tổ chức Công đoàn hiện nay ở Thái Bình; cùng nhau thảo luận, đánh giá các mặt thuận lợi, khó khăn, ưu nhược điểm của hoạt động Công đoàn thời gian qua trên địa bàn tỉnh để cùng học hỏi, rút kinh nghiệm, cũng như kiến nghị các ý kiến chính đáng, cần thiết cho cơ quan cấp trên trong việc hoàn thiện, sửa đổi một số nội dung còn tồn tại, chưa phù hợp của Luật Công đoàn 2012.
Ví dụ, ý kiến tham luận của chị Đào Thị Yến - Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Công ty TNHH Long Hành Thiên Hạ (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) - cho thấy: Công tác tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn trong doanh nghiệp FDI chưa theo kịp với thay đổi đất nước, của địa phương và của đoàn viên, người lao động nên hoạt động hiệu quả còn chưa cao.
Bản chất của doanh nghiệp nước ngoài khi sang Việt Nam là lợi nhuận, họ không quan tâm tới tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội. Cán bộ Công đoàn kiêm nhiệm, nhận lương của giới chủ nên còn e dè trong việc đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công nhân lao động, nên còn hiện tượng cán bộ Công đoàn né tránh trong hoạt động.
Điều kiện làm việc của công nhân, lao động tại doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, tình trạng vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động ở các doanh nghiệp còn diễn ra khá phổ biến, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm pháp luật của các cơ quan chức năng chưa được quan tâm thích đáng...
Chị Đào Thị Yến - Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Công ty TNHH Long Hành Thiên Hạ. Ảnh: Nam Hồng
Còn anh Phạm Đình Tuấn - Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Công ty CPCN Ngũ Kim Fortress Việt Nam (Khu Công nghiệp Phúc Khánh, TP.Thái Bình) - cho rằng: Trong việc đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho công nhân thì nảy sinh những lợi ích của chính cán bộ Công đoàn dẫn đến cán bộ không dám hay rụt rè trong việc đứng ra giải quyết vấn đề.
Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ Công đoàn hạn chế dẫn đến công tác tuyên truyền về chế độ chính sách, quyền lợi của công nhân lao động nhiều khi hiểu chưa đúng, hiểu sai về văn bản nên người lao động không hiểu và nhiều khi dẫn đến thiệt thòi cho đoàn viên, người lao động.
Công tác giao tiếp với đoàn viên, người lao động chưa gần gũi thấu hiểu dẫn đến sự xa cách giữa Công đoàn và người lao động. Nhiều khi người lao động có ý kiến về các chế độ, thời gian làm việc, an toàn lao động lên Công đoàn cơ sở nhưng những cán bộ Công đoàn cơ sở cũng sợ giới chủ vì thế "ỉm đi" không báo cáo với lãnh đạo doanh nghiệp và Công đoàn cấp trên...
Anh Phạm Đình Tuấn - Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Công ty CPCN Ngũ Kim Fortress Việt Nam. Ảnh: Nam Hồng
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các đại biểu đã sôi nổi trao đổi, hỏi han, chất vấn nhiều nội dung liên quan lĩnh vực hoạt động Công đoàn. Nhiều thắc mắc, ý kiến đã được lãnh đạo Viện Công nhân và Công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình giải thích, trả lời, diễn giải tại chỗ; còn nhiều ý kiến, câu hỏi phức tạp, vướng mắc đã được tiếp thu, ghi nhận để báo cáo, trình cấp có thẩm quyền giải đáp, đưa ra giải pháp cụ thể sau.
TRUNG DU (báo lao động)
https://laodong.vn/ldld-thai-binh/lang-nghe-can-bo-cong-doan-thai-binh-trai-long-ve-nhung-kho-khan-vuong-mac-1198708.ldo