Hi vọng nhận được hỗ trợ - như đợt dịch COVID-19
Một khoản tiền hỗ trợ như đợt dịch COVD-19 vừa qua có thể giúp công nhân xoay xở được khoản thuê phòng trọ khi thu nhập bị ảnh hưởng do đơn hàng bị sụt giảm - mong muốn của nhiều công nhân, người lao động bị giảm giờ làm tại TP Hồ Chí Minh.
Anh Lê Văn Ga nhận quà từ Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng. Ảnh: Phương Ngân
Từ Nghệ An vào TP Hồ Chí Minh được 8 năm, cũng là ngần ấy thời gian hai vợ chồng anh Lê Văn Ga (40 tuổi) gắn bó với Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Công ty PouYuen). Thời gian qua, tình hình cắt giảm lao động tại công ty diễn ra thường xuyên, khiến hai vợ chồng anh Ga cũng lo lắng.
Anh Ga cho biết, hiện tại, công việc của anh và vợ vẫn ổn, nhưng không biết thời gian tới sẽ thế nào, song anh vẫn hi vọng tình hình sản xuất trong thời gian tới sẽ cải thiện.
Nếu trước kia tăng ca đầy đủ, mỗi tháng anh Ga kiếm được khoảng 10 triệu đồng, trong bối cảnh khó khăn về đơn hàng, cũng như nhiều công nhân khác, thu nhập của anh cũng bị giảm sút còn khoảng 7 triệu đồng/tháng. Hiện tổng thu nhập của hai vợ chồng anh Ga chỉ rơi vào khoảng 15 triệu đồng, với mức thu nhập này, theo anh Ga chỉ tạm đủ xoay xở.
“Tình hình khó khăn chung nên mình cũng phải chấp nhận, nhưng mong các cơ quan, ban ngành quan tâm, chăm sóc đến đời sống của công nhân, để những công nhân lao động nhập cư như chúng tôi có công việc ổn định góp phần phát triển đất nước” - anh Ga chia sẻ.
Gần phòng anh Ga, chị Võ Thị Kim Thoa (36 tuổi, quê Bến Tre) phải nghỉ ở nhà vì ít hàng sản xuất. Chị Thoa tâm sự, chị lên TP Hồ Chí Minh làm tại Công ty PouYuen được 12 năm với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng (tăng ca đầy đủ), nhưng hiện nay chị phải nghỉ thứ Sáu, thứ Bảy, thu nhập chỉ còn khoảng 9 triệu đồng. Công việc của chồng chị cũng gặp khó khăn phải nghỉ thường xuyên, nên thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ có 11 - 12 triệu đồng/tháng.
Cùng với các khoản chi phí nhà trọ, ăn uống, xăng xe và tiền con ăn học ở quê, số tiền hai vợ chồng chị Thoa kiếm được không đủ trang trải.
Chị Thoa chia sẻ, nếu công việc ổn định trở lại, công nhân được tăng ca, chị sẽ tiếp tục làm việc, nhưng nếu tình trạng không được tăng ca và phải nghỉ luân phiên kéo dài chị sẽ quyết định nghỉ để về quê sinh sống.
“Tăng ca còn có tiền chứ giờ không tăng ca lương không có bao nhiêu, lương lãnh ra lo tiền nhà trọ hết rồi. Nếu tình hình này kéo dài tôi sẽ về quê kiếm gì làm, dù sao về quê cũng đỡ mất tiền phòng trọ, ở đây không đi làm cũng phải đóng tiền phòng, chịu không nổi” - chị Thoa chia sẻ.
Theo chị Thoa, thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn ra phải giãn cách xã hội, người dân bị cách ly, công việc bị gián đoạn, tình hình khó khăn là thế, nhưng được sự hỗ trợ từ các chính sách an sinh của Nhà nước, công nhân cũng giải quyết được phần nào khó khăn. Còn hiện nay, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng buộc cắt giảm lao động, giảm giờ làm khiến cho đời sống của công nhân gặp nhiều khó khăn. Đây là thời điểm cần có những chính sách hỗ trợ như đợt dịch để công nhân lao động có thể vượt qua khó khăn, bám trụ lại thành phố.
https://laodong.vn/cong-doan/hi-vong-nhan-duoc-ho-tro-nhu-dot-dich-covid-19-1201186.ldo
PHƯƠNG NGÂN (báo lao động)