Ông Tống Văn Băng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam - phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Nam Dương
Hội thảo do ông Tống Văn Băng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam - chủ trì, với sự tham gia của gần 100 cán bộ công đoàn ở các tỉnh, thành phía Nam và một số nghiệp đoàn cơ sở tham gia.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Tống Văn Băng nhấn mạnh, Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” đã nêu các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu, trong đó ghi nhận: “Có mô hình phù hợp thu hút, tập hợp, bảo vệ người lao động ở khu vực phi chính thức”.
Các đại biểu tham gia hội thảo lấy ý kiến quy định về tổ chức và hoạt động của nghiệp đoàn cơ sở. Ảnh: Nam Dương
Việc thành lập, phát triển nghiệp đoàn đã được Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam quan tâm, thực hiện từ nhiều năm qua. Hiện cả nước có 1.018 nghiệp đoàn với gần 92.000 đoàn viên nghiệp đoàn.
Năm 2024, lần đầu tiên việc thành lập nghiệp đoàn được đưa thành chỉ tiêu trong công tác phát triển đoàn viên, tổ chức công đoàn. Kết quả đã có gần 500 nghiệp đoàn cơ sở được thành lập với gần 50.000 đoàn viên nghiệp đoàn.
Năm 2025, chỉ tiêu phát triển đoàn viên nghiệp đoàn chiếm khoảng 10% trong tổng chỉ tiêu phát triển đoàn viên công đoàn. Điều này cho thấy sự quan tâm của Tổng LĐLĐ Việt Nam với nghiệp đoàn và đoàn viên nghiệp đoàn.
Đông đảo cán bộ công đoàn các cấp tham gia hội thảo. Ảnh: Nam Dương
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, việc vận động gia nhập nghiệp đoàn hiện gặp nhiều khó khăn do lao động tự do còn thiếu thông tin, chưa hiểu về tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn và quan tâm vào nghiệp đoàn có lợi gì.
Trong khi đó, thực tế hoạt động nghiệp đoàn cũng gặp nhiều khó khăn do không có nguồn thu từ kinh phí công đoàn 2% do người sử dụng lao động đóng, mà chỉ có hỗ trợ từ công đoàn cấp trên cơ sở và nguồn thu đoàn phí do đoàn viên đóng, nhưng không đều và mức đóng khác nhau.
Ông Phan Dương Nhựt - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - cho biết, hiện LĐLĐ TP Tam Kỳ đang quản lý 3 nghiệp đoàn, đều không có địa điểm sinh hoạt, làm việc mà phải đi mượn địa điểm sinh hoạt khi cần thiết. Việc đóng đoàn phí chưa đồng đều, hỗ trợ kinh phí hoạt động của LĐLĐ cho nghiệp đoàn còn thấp.
Bà Lê Thị Kim Thúy - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM (người đứng) - phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nam Dương
Bà Lê Thị Kim Thúy - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - đề xuất người lao động phải không tham gia tổ chức đại diện người lao động nào khác mới được kết nạp đoàn viên nghiệp đoàn; xem xét cân nhắc việc thu đoàn phí với đoàn viên nghiệp đoàn khi gặp khó khăn, không có việc làm, không có thu nhập; cân nhắc mức hỗ trợ kinh phí cho nghiệp đoàn hoạt động theo số lượng đoàn viên, nhưng cần giới hạn mức trần hỗ trợ.
Phải có công khai thu chi tài chính nghiệp đoàn, vì càng công khai thì càng tạo sự tin tưởng của đoàn viên với nghiệp đoàn, công đoàn và có hướng dẫn về công tác tài chính cho nghiệp đoàn; quy định về tổ chức và hoạt động của nghiệp đoàn cơ sở cần phải phù hợp với Luật Công đoàn 2024 và Điều lệ công đoàn Khóa XIII.
Một số ý kiến cũng đề nghị cần tăng mức hỗ trợ của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cho hoạt động nghiệp đoàn.
https://laodong.vn/cong-doan/gop-y-cho-to-chuc-va-hoat-dong-cua-nghiep-doan-co-so-1463439.ldo