Điểm tựa pháp lý cho người lao động
Đầu tháng 8.2024, ngay sau bài báo đầu tiên trên Lao Động phản ánh câu chuyện nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của 37 nhân viên Công ty CP FLC Quy Nhơn Golf & Resort, Công đoàn Khu kinh tế (KKT) tỉnh Bình Định cùng các đơn vị trực thuộc LĐLĐ tỉnh lập tức nhập cuộc.
Ngày 4.8.2024, sau khi tiếp nhận, xác minh thông tin, Công đoàn KKT phát văn bản làm việc với người đại diện theo pháp luật và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở (CĐCS) doanh nghiệp.
FLC Quy Nhơn Golf & Resort được thông báo trách nhiệm giải trình về quan hệ lao động; kết quả đóng BHXH bắt buộc của đơn vị đến tháng 6.2024, hồ sơ liên quan việc thực hiện BHXH; danh sách người lao động đang đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; danh sách và các loại văn bản hợp đồng lao động của doanh nghiệp với người lao động gồm hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định thời hạn dưới 12 tháng; hồ sơ tài chính công đoàn…
Ông Nguyễn Đức Long, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn KKT Bình Định nhớ lại: “Để hỗ trợ giải quyết thỏa đáng, rốt ráo quyền lợi cho đoàn viên, người lao động, chúng tôi mời các cơ quan liên quan như Ban Quản lý KKT, BHXH Bình Định phối hợp”.
Tại cuộc làm việc ngày 7.8.2024, trước “dấu hiệu chưa sẵn sàng” từ phía người sử dụng lao động, đại diện tổ chức Công đoàn đã dứt khoát yêu cầu doanh nghiệp phải cam kết rõ ràng, chắc chắn, có hiệu lực về lộ trình “trả nợ” và giải quyết chế độ chính sách.
Vụ đòi nợ lương, BHXH ở FLC Quy Nhơn Golf & Resort diễn biến nhanh, kết thúc có hậu nhờ sự phối hợp chặt chẽ, liên tục giữa Báo Lao Động, tổ chức Công đoàn và các cơ quan quản lý tại Bình Định. Chỉ chưa tới 10 ngày, đến 10.8.2024, toàn bộ 37 lao động có đơn khiếu nại đều được thanh toán BHXH chậm nộp; khoản nợ lương 366 triệu đồng cũng được công ty chi trả.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Bích Thủy, hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý của Công đoàn tỉnh Bình Định trong năm 2024 được duy trì thường xuyên, liên tục và hiệu quả. Tổng cộng, có 272 vụ việc được tư vấn trực tiếp và gián tiếp, giúp 88 lao động nhận gần 1,5 tỉ đồng tiền lương, trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ 6 lao động quay trở lại làm việc khi đơn vị chấm dứt hợp đồng trái pháp luật; hướng dẫn 18 lao động tiến hành thủ tục khiếu nại đòi quyền lợi bị xâm hại...
Hỗ trợ hơn 132.600 lượt đoàn viên, lao động khó khăn
Trong ngôi nhà mới khang trang ở khối phố 5, thị trấn Phú Phong, chị Lâm Thị Thùy (CĐCS khối Đảng huyện Tây Sơn) xúc động kể: “Nhà cũ của gia đình được xây từ năm 1972, đã rệu rã, mục nát. May mắn được LĐLĐ tỉnh, huyện chọn hỗ trợ, tôi vay mượn thêm, cộng với phần dành dụm trước nay mới có được niềm vui tân gia như thế này”. Sinh 1971, chị Thùy đang là điểm tựa nghị lực cho 2 con nhỏ và người chồng tai biến nặng, bại liệt đến nửa người.
Chị Lâm Thị Thùy là 1 trong 14 đoàn viên công đoàn Bình Định năm 2024 có cơ hội biến giấc mơ an cư thành hiện thực nhờ chương trình Mái ấm Công đoàn. Số liệu từ LĐLĐ tỉnh cho biết, tổng số tiền hỗ trợ từ chương trình là 605 triệu đồng.
Năm 2024, Bình Định có 132.664 lượt đoàn viên, người lao động khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo được hỗ trợ hơn 50,1 tỉ đồng. “Ở các doanh nghiệp, công đoàn chủ động phối hợp với chủ doanh nghiệp tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn về sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thực hiện các chế độ chính sách, góp phần cải thiện đời sống cho công nhân, lao động”, bà Nguyễn Thị Bích Thủy cho hay.
Công đoàn hiện diện, đồng hành trong từng khía cạnh đời sống - việc làm của người lao động. Chăm chút, cải thiện bữa ăn ca là một ví dụ. Có 31 doanh nghiệp điều chỉnh giá trị ăn ca từ 18.000 đến 35.000 đồng/người/bữa, 13 đơn vị mới tham gia, nâng tổng số doanh nghiệp thực hiện bữa ăn ca lên 310 đơn vị.
https://laodong.vn/cong-doan/diem-tua-phap-ly-giup-88-lao-dong-nhan-gan-15-ti-dong-tien-luong-tro-cap-1445057.ldo