Chiều 19.9, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN chủ trì.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, việc làm là nhu cầu của hầu hết mọi người; việc làm chính là điều kiện quyết định để mưu cầu hạnh phúc. Luật Việc làm là hành lang pháp lý được thiết kế, điều chỉnh để mọi người có việc làm tốt, ổn định như mong muốn của mình, đảm bảo sự quản lý của Nhà nước.
“Trong bối cảnh các hình thức việc làm ngày càng phong phú, do phát triển kinh tế số cũng như giao lưu toàn cầu hóa, Luật Việc làm hiện hành đã đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo cơ hội việc làm cho mọi người lao động. Tuy nhiên so với nhu cầu phát triển, Luật Việc làm đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó có những hạn chế nếu không kịp thời khắc phục thì sẽ cản trở sự phát triển, hạn chế cơ hội có việc làm tốt hơn của người lao động” - ông Ngọ Duy Hiểu đánh giá.
Ông Ngọ Duy Hiểu mong muốn các đại biểu có nhiều ý kiến sát thực tiễn đóng góp vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) để giúp đoàn viên, người lao động có việc làm bền vững, ngày càng tốt hơn, thu nhập cao, đảm bảo điều kiện về an sinh xã hội.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bảo Hân
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho rằng, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là về chuyển đổi việc làm. Theo ông Hiểu, hiện nhiều đoàn viên, NLĐ đang làm ở doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu thì người lao động cần học tập nâng cao trình độ. Ngoài ra, một vấn đề khác cần quan tâm là khi NLĐ bị thất nghiệp thì quyền lợi của họ như nào để duy trì cuộc sống.
Không chỉ vậy, theo ông Ngọ Duy Hiểu, trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới các công việc như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số… thì vấn đề việc làm phải được chuyển đổi như nào để lực lượng lao động, chủ yếu là trong lĩnh vực thâm dụng lao động để họ có được cơ hội, điều kiện việc làm tốt hơn.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, bà Đào Thị Thu Huyền - Phó giám đốc Bộ phận Đối ngoại và Trách nhiệm xã hội (Công ty TNHH Canon Việt Nam) nêu lên việc không đồng nhất các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo bà Huyền, người lao động trong thời gian nghỉ sinh được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế và được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhưng không được tính là thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
“Điều này không đảm bảo sự đồng nhất về chế độ của 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp), đồng thời doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí để trả trợ cấp thôi việc cho thời gian nghỉ thai sản của người lao động là không thống nhất với chế độ của bảo hiểm xã hội” - bà Huyền nói.
Để bảo vệ quyền lợi người lao động, cũng là để đồng nhất giữa các luật, bà Huyền đề xuất đưa thời gian nghỉ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Ông Nguyễn Thái Dương - Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam - cũng đồng tình với ý kiến trên.
Ông Dương đóng góp thêm, tại Việt Nam, tỉ lệ thất nghiệp thấp so với các nước đang phát triển, nhưng chất lượng việc làm, thu nhập không cao. Ngoài ra, quỹ bảo hiểm thất nghiệp còn dư khá lớn - điều này thể hiện có thể việc tiếp cận được hưởng còn "có vấn đề". Ngoài ra, mức chi trả còn thấp, chưa tập trung nhiều vào người tham gia đóng góp vào quỹ.
Ông Dương cho rằng, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay còn thấp, không đảm bảo mức sống tối thiểu. Ngoài ra, ông đề nghị cần làm rõ căn cứ khống chế được hưởng bảo hiểm thất nghiệp tối đa 12 tháng.
Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung khác trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được kết cấu gồm 9 chương và 130 điều (so với Luật Việc làm năm 2013 gồm 7 chương và 62 điều). Dự thảo luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sắp tới.
https://laodong.vn/cong-doan/de-xuat-thoi-gian-nghi-thai-san-duoc-tinh-tham-gia-bao-hiem-that-nghiep-1396662.ldo