Mở biên chế, duy trì kinh phí Công đoàn
Ngày 10.10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang do ông Trình Lam Sinh - Phó Trưởng đoàn chuyên trách - dẫn đầu có buổi tiếp xúc với cử tri là cán bộ Công đoàn và 100 đoàn viên, CNLĐ. Tại buổi tiếp xúc, có 17 ý kiến trình bày, đề xuất liên quan mật thiết đến hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân, lao động (CNLĐ).
Buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang với cán bộ Công đoàn, đoàn viên, CNLĐ. Ảnh: Thanh Mai
Các ý kiến về hoạt động Công đoàn đề cập đến nhiều nội dung liên quan đến những kiến nghị nhằm hỗ trợ cho hoạt động nghiệp vụ đạt hiệu quả cao, nhất là trong việc thực hiện chức năng đại diện, bảo về và chăm lo đoàn viên, CNLĐ. Nhiều cán bộ Công đoàn cho rằng, cần có cơ chế mở biên chế cán bộ Công đoàn ở cấp tỉnh, cấp huyện. Bởi biên chế hiện nay chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và số lượng đoàn viên tăng và mối quan hệ lao động ngày càng phức tạp.
Buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang thu hút nhiều cán bộ Công đoàn và 100 cử tri là đoàn viên, CNLĐ. Ảnh: Thanh Mai
Đó là chưa kể đến chuyện “cào bằng” khi địa bàn có nhiều đoàn viên nhưng vẫn được bố trí số lượng cán bộ Công đoàn như địa bàn ít đoàn viên, CNLĐ, gây khó khăn cho hoạt động Công đoàn. Vì vậy, các cử tri đề nghị Quốc hội (QH) xem xét quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của Công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ Công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ông Nguyễn Thành Trước - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Thoại Sơn - trình bày và kiến nghị về biên chế cán bộ Công đoàn. Ảnh: Thanh Mai
Công bằng hóa chính sách BHTN
Nóng nhất vẫn là chuyện chính sách về BHTN. Trước hết là xem xét tính công bằng trong thực thi về BHTN. Có ý kiến cho rằng, nhiều CNLĐ “cả đời không thất nghiệp” nên không được hưởng quyền lợi về BHTN lần nào. Trong khi đó, theo nguyên tắc chung là có đóng thì có hưởng, vì vậy đề nghị ĐBQH xem xét, nghiên cứu nhằm hỗ trợ đối tượng này.
Đoàn viên CĐCS Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang kiến nghị về công bằng trong bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Thanh Mai
Bởi đây không chỉ thực thi công bằng - văn minh, mà còn góp phần lập lại trật tự chung. Thực tế có không ít trường hợp lợi dụng chính sách này để trục lợi cá nhân và ảnh hưởng đến sự ổn định lực lượng CNLĐ bằng xin nghỉ việc trước khi nghỉ hưu để làm thủ tục hưởng BHTN, rồi sau đó họ làm thủ tục hưởng lương hưu.
Ông Trình Lam Sinh tặng quà cho đoàn viên, công nhân lao động tham gia buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thanh Mai
Tại buổi tiếp xúc, đoàn viên, CNLĐ cũng mong muốn QH cho ý kiến việc tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75%, tức mức hưởng lương hưu tối đa vì điều này giúp CNLĐ đảm bảo cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm. Từ đó, thiết thực hạn chế nạn rút bảo hiểm xã hội một lần.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Lâm Thành Sĩ tặng quà cho đoàn viên, CNLĐ tham gia buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang. Ảnh: Thanh Mai
Ngoài ra, các ý kiến cũng mong muốn QH bổ sung vào dự thảo Luật Việc làm nội dung liên quan đến chính sách BHTN. Cụ thể như: “Thời gian 6 tháng nghỉ thai sản được tính là thời gian tham gia BHTN” để bảo đảm sự đồng nhất về chế độ của 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc; đồng thời, để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ.
Dịp này đoàn viên, CNLĐ cũng đề nghị quy định cứng về mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động, để tránh trường hợp đóng mức thấp hơn, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
https://laodong.vn/cong-doan/cu-tri-an-giang-kien-nghi-cong-bang-trong-chinh-sach-bhtn-1406111.ldo