Công nhân, cán bộ công đoàn phấn khởi trước thông tin tăng lương tối thiểu vùng lên 7,2%
Nghệ An - Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt phương án điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng thêm 7,2%, đem niềm vui đến cho công nhân lao động.
Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An Kha Văn Tám, việc tăng lương tối thiểu vùng là rất cần thiết và đáng quý. Ảnh: Quang Đại
Ngày 13.7, có mặt tại khu vực nhà trọ trên đường Đặng Thai Mai ở phường Vinh Hưng (tỉnh Nghệ An), phóng viên ghi nhận cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của công nhân đang thuê trọ tại đây.
Anh Nguyễn Trung Thành (SN 2001, quê huyện Đô Lương) - công nhân một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp VSIP - hiện thuê trọ trong căn phòng chỉ vừa đủ kê tấm nệm, chiếc bàn bếp nhỏ và vài vật dụng thiết yếu.
Anh Nguyễn Trung Thành (quê Nghệ An) - công nhân một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An - vui mừng trước thông tin tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: Quang Đại
“Tôi mới đi làm, lương được 7-8 triệu đồng/tháng. Nếu tăng ca thì được khoảng 9 triệu đồng/tháng, nhưng chi tiêu hết 3-4 triệu đồng, gửi thêm ít tiền về quê là coi như hết sạch” - anh Thành chia sẻ.
Điều kiện sống thiếu thốn nên trời rất nóng nhưng anh không dám lắp điều hòa. “Tiền điện chủ trọ tính 2.700 đồng/kWh, tiền nước 15.000 đồng/m³. Lắp máy lạnh là kham không nổi, nên đành chịu nóng” - anh nói.
“Tôi rất vui trước thông tin Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng lên 7,2%. Đây là nguồn thu nhập tăng thêm đáng kể để tôi trang trải cuộc sống, lo cho gia đình” - anh Thành bày tỏ.
Bà Trần Thị Nguyệt - nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An - cho biết, do mức lương tối thiểu vùng hiện còn thấp, nên thu nhập bình quân của công nhân trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 6,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, giá cả sinh hoạt và chi phí thuê trọ ngày càng tăng, khiến cuộc sống của người lao động ngày một khó khăn hơn.
Trước thực trạng này, trước đây, Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đã kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp có vốn FDI để khuyến nghị điều chỉnh mức lương, cải thiện thu nhập cho người lao động. Đồng thời, công đoàn cũng kiến nghị Hội đồng Tiền lương Quốc gia và các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng, đặc biệt là vùng 3 và vùng 4, theo sát chỉ số giá tiêu dùng thực tế.
Theo bà Trần Thị Nguyệt, việc Hội đồng tiền lương quốc gia điều chỉnh lương tối thiểu vùng lên 7,2% không chỉ góp phần đảm bảo an sinh cho công nhân mà còn giúp thu hút nguồn nhân lực, hạn chế nguy cơ phát sinh tranh chấp lao động trong bối cảnh kinh tế - xã hội nhiều biến động.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An Kha Văn Tám chia sẻ: “Tôi hoàn toàn đồng tình, phấn khởi và ghi nhận việc lương tối thiểu vùng sẽ tăng lên 7,2%. Tuy mức tăng này chưa đạt được như kỳ vọng nhưng cũng rất đáng quý đối với người lao động. Việc tăng lương ngay là cần thiết, cấp bách, để nhanh chóng giúp người lao động vơi bớt khó khăn, nỗ lực, hăng say làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, góp phần xây dựng quê hương đất nước”.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-can-bo-cong-doan-phan-khoi-truoc-thong-tin-tang-luong-toi-thieu-vung-len-72-1539473.ldo
QUANG ĐẠI (BÁO LAO ĐỘNG)