Công đoàn tỉnh Thái Nguyên luôn đẩy mạnh công tác phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: Công đoàn Thái Nguyên
Ngày 6.4, ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên cho biết, với gần 170.000 đoàn viên thuộc các công đoàn cơ sở, việc các cấp công đoàn trong tỉnh Thái Nguyên triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) không chỉ dừng lại ở các văn bản pháp luật mà còn đi vào thực tiễn qua nhiều hoạt động thiết thực.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua các buổi hội thảo, tập huấn, tọa đàm và những chiến dịch truyền thông đa dạng trên mạng xã hội, tờ rơi, băng rôn. Những chương trình như “Nghệ thuật làm vợ, làm mẹ” dành cho nhân viên Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, hay các buổi chia sẻ “Kiến tạo gia đình hạnh phúc” tại thành phố Phổ Yên đã thu hút hàng nghìn người tham gia. Đây không chỉ là dịp để người lao động tìm hiểu về Luật PCBLGĐ mà còn giúp người lao động trang bị thêm kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, duy trì hạnh phúc gia đình.
Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, LĐLĐ tỉnh đã có những hành động cụ thể để hỗ trợ các gia đình CNVCLĐ.
Trong hai năm qua, hơn 30 lớp phổ biến pháp luật về bạo lực gia đình đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 3.000 người. Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ thiết thực như xây dựng 10 nhà “Mái ấm Công đoàn” trị giá trên 500 triệu đồng, hỗ trợ gần 3 tỉ đồng cho 2.720 gia đình bị thiệt hại do thiên tai cũng được triển khai kịp thời.
Mô hình “Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ” cũng đã được thành lập tại nhiều địa phương, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động xa nhà.
Với 5 tổ tự quản thu hút gần 1.000 công nhân tham gia, đây thực sự là điểm tựa vững chắc giúp người lao động cảm thấy an toàn và gắn kết hơn trong cuộc sống.
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác phòng chống bạo lực gia đình vẫn còn gặp không ít khó khăn. Ở một số khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tư tưởng “bạo lực gia đình là chuyện riêng” vẫn còn tồn tại. Định kiến giới, tư tưởng gia trưởng cũng là rào cản lớn khiến nhiều nạn nhân không dám lên tiếng.
Theo ông Phạm Việt Dũng, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCBLGĐ, cần có thêm các chính sách hỗ trợ nạn nhân về pháp lý, tâm lý và tài chính. Việc mở rộng các mô hình nhà tạm lánh trong các khu công nghiệp, tạo mạng lưới tư vấn pháp luật tại công đoàn cơ sở, cũng như nâng cao năng lực của cán bộ công đoàn trong việc phát hiện và xử lý các trường hợp bạo lực gia đình là những giải pháp cần được đẩy mạnh...
https://laodong.vn/ldld-thai-nguyen/cong-doan-tinh-thai-nguyen-tich-cuc-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-1487447.ldo