Ths.Phạm Thị Thanh Tâm - Ủy viên Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam làm chủ nhiệm đề tài cấp Tổng LĐLĐVN “Tăng cường năng lực tiếp cận thông tin của người lao động ngành Dệt may Việt Nam". Ảnh: Thu Mai
Hội thảo khoa học do Công đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức, nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Tổng LĐLĐVN “Tăng cường năng lực tiếp cận thông tin của người lao động ngành Dệt may Việt Nam" do Ths.Phạm Thị Thanh Tâm - Ủy viên Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam làm chủ nhiệm.
Hội thảo khoa học diễn ra ngày 22.4. Ảnh: Kiều Vũ
Khai mạc Hội thảo, Ths.Phạm Thị Thanh Tâm cho biết ngành Dệt may hiện sử dụng hơn 2,5 triệu lao động – phần lớn là lao động phổ thông, chủ yếu là nữ giới, làm việc trong môi trường sản xuất công nghiệp tập trung. Qua nghiên cứu thực địa và khảo sát quy mô lớn, nhóm nghiên cứu đã nhận diện rõ một số vấn đề.
Một trong số đó là thiết chế truyền thông nội bộ đã có bước phát triển, từ bản tin, truyền thanh, trang mạng xã hội công đoàn đến các nền tảng tương tác điện tử. Tuy nhiên, hình thức thể hiện còn chưa đủ hấp dẫn, thiếu phân loại theo đặc điểm nhân khẩu học (độ tuổi, giới tính, vùng miền, trình độ)...
Kết quả khảo sát chỉ ra: 77,6% người lao động đánh giá việc tiếp cận thông tin là rất hiệu quả, nhưng đồng thời 56,9% cũng cho rằng hình thức truyền tải còn cần cải tiến mạnh mẽ để phù hợp với nhóm lao động trẻ, Gen Z, vốn đang dần trở thành lực lượng chủ lực trong các nhà máy.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ Công đoàn tham gia dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến trao đổi, thảo luận về khung lý luận, pháp lý và chính sách; bối cảnh ngành, nhu cầu và khoảng trống thông tin; kiến nghị thực thi các giải pháp…
Ths Nguyễn Hoàng Mai, Trường Đại học Công đoàn. Ảnh: Kiều Vũ
Trao đổi về tiếp cận thông tin trong quan hệ lao động - thực trạng và kiến nghị hoàn thiện chính sách, Ths Nguyễn Hoàng Mai, Trường Đại học Công đoàn phân tích: Trong nhiều doanh nghiệp Dệt may, phương thức truyền thông vẫn chủ yếu mang tính một chiều - tức là từ người sử dụng lao động truyền tải thông tin đến người lao động mà không có cơ chế phản hồi hiệu quả. Các hình thức phổ biến hiện nay như bảng thông báo nội bộ, tài liệu giấy, hoặc họp chuyền thường được sử dụng rộng rãi nhưng có nhiều hạn chế trong thực tế.
Ths.Nguyễn Đình Thành - đồng sáng lập Elite PR School. Ảnh: Kiều Vũ
Ths.Nguyễn Đình Thành - đồng sáng lập Elite PR School chia sẻ trong kỷ nguyên chuyển đổi số, truyền thông đã trở thành một “tuyến đầu mềm” nhưng có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Với tổ chức công đoàn - đặc biệt tại cấp cơ sở - truyền thông không còn chỉ là công cụ phổ biến chủ trương, chính sách, mà đang đóng vai trò chiến lược trong việc định hình nhận thức, giữ vững niềm tin và tạo dựng sự đồng thuận trong đoàn viên, người lao động.
Ông Phan Nghiêm Long - Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN. Ảnh: Kiều Vũ
Bàn về một số giải pháp nâng cao quyền tiếp cận thông tin của người lao động, ông Phan Nghiêm Long - Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN nêu cần nâng cao năng lực đại diện và vai trò chủ động của tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đảm bảo thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người lao động…
Ths.Phạm Thị Thanh Tâm: Công đoàn cơ sở, dù được pháp luật trao quyền giám sát, nhưng vẫn hoạt động dưới mô hình kiêm nhiệm phổ biến, thiếu nhân lực, thiếu chuyên môn truyền thông và công nghệ – khiến vai trò truyền tải thông tin bị giới hạn.Thực tiễn này cho thấy: Đã đến lúc phải thay đổi tư duy – từ tuyên truyền sang truyền thông – từ cung cấp thông tin sang tạo dựng năng lực tiếp cận và tương tác.
https://laodong.vn/cong-doan/can-thay-doi-tu-duy-tu-cung-cap-thong-tin-sang-nang-luc-tiep-can-va-tuong-tac-1495175.ldo