Tại Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 4a/NQ-TLĐ ngày 24.6.2014 về nâng cao hiệu quả hoạt động của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới, ông Lê Văn Đại - Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Đà Nẵng đưa ra một số giải pháp của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, đối thoại thực chất và hiệu quả.
Trong đó, một kinh nghiệm mà công đoàn cấp trên tại Đà Nẵng đã đúc kết và phổ biến cho công đoàn cơ sở thực hiện, mang lại thành công là không tham lam, ôm đồm trong đối thoại, thương lượng. Đối thoại, thương lượng đạt tới đâu thì thống nhất tới đó, những cái dễ làm trước, cái khó chưa làm được thì tiếp tục đề xuất, đối thoại sau. Ví dụ, trong buổi đối thoại có 10 nội dung, ông chủ đồng ý 5 nội dung, 5 nội dung còn lại chưa thống nhất.
Lúc này, công đoàn không nhất định phải thương lượng cho bằng được những nội dung còn lại mà phải mềm dẻo, coi như buổi thương lượng đã thành công với 5 nội dung. Những nội dung còn lại sẽ tiếp tục kiên trì đeo bám để đối thoại, thương lượng lần sau, lần sau nữa. Công đoàn cơ sở phải vận dụng linh hoạt sự mềm mỏng nhưng dứt khoát, kiên trì đeo bám và có chính kiến với những đề xuất của mình. Có như vậy mới mang lại những quyền lợi cơ bản cho người lao động.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Đà Nẵng cũng khẳng định để có thể thực hiện hiệu quả đối thoại, thương lượng tại doanh nghiệp thì sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên đối với công đoàn cơ sở là yếu tố rất quan trọng. Tại Đà Nẵng, mỗi cán bộ công đoàn cấp trên đều là chỗ dựa vững chắc cho cán bộ công đoàn cơ sở.
Công đoàn cơ sở cần ở đâu, cấp trên hỗ trợ ở đấy, không nề hà khó khăn, thời gian, sẵn sàng “cầm tay chỉ việc”, sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm. Đó chính quan điểm làm việc của cán bộ chuyên trách công đoàn Đà Nẵng. Sự gần gũi giữa đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách đối với cán bộ công đoàn cơ sở chính là chìa khóa cho sự thành công trong mọi hoạt động công đoàn.
Mỗi một cán bộ công đoàn cấp trên tại Đà Nẵng đều luôn được đào tạo, rèn luyện mỗi năm; tham gia các lớp tập huấn, tuyên truyền, rèn luyện kỹ năng, tự trang bị các kiến thức; thành lập các nhóm hỗ trợ, tương tác, giúp đỡ nhau. Với 1 đội ngũ cán bộ có ý thức, có trách nhiệm, có tâm với công việc, là một trong những yếu tố quan trọng để hỗ trợ cơ sở thực hiện có hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng.
Một trong những giải pháp được đưa ra từ thực tế là nên có một cuốn cẩm nang liên quan đến các kỹ năng trong quá trình đối thoại, thương lượng. Ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ, cuốn cẩm nang như bảo bối để cán bộ công đoàn cơ sở khó ở đâu có thể lấy ra gỡ bí ở đó…
https://laodong.vn/cong-doan/cai-kho-chua-lam-duoc-thi-tiep-tuc-de-xuat-doi-thoai-sau-1430169.ldo