
Bệnh nhân sau phẫu thuật tai nạn máy nghiền cà phê. Ảnh: Nguyễn Ly
Chủ quan trong làm việc dẫn đến tai nạn lao động
Anh H.T.A (30 tuổi, tỉnh Đắk Nông) là một người dân làm rẫy quanh năm, khi ai mướn gì làm đó. Khoảng một tuần trước đây, anh Tê (tên nhân vật được thay đổi) được một người trong làng thuê để nghiền hạt cà phê. Đây đã là lần thứ 3 liên tiếp anh Tê đồng ý làm công việc này mà không ngần ngại gì.
Trong quá trình làm việc, để đảm bảo hạt cà phê được nghiền đều, có chất lượng tốt, anh Tê đã sử dụng tay để đổ hạt rồi nhấn chúng xuống máy xay. Trong lúc làm việc bất ngờ, tai nạn đã xảy ra. Anh Tê chia sẻ: “Lúc đó, tôi đang dùng tay san đều rồi nhấn hạt xuống máy xay. Vì làm như vậy, hạt xay ra đều và mịn, nhưng không may tay tôi bị cuốn vào máy. May mắn là máy bị dây điện kẹt lại, nên không tiếp tục xay và tôi không bị cuốn vào máy thêm”.
Anh Tê đã bị thương nặng toàn bộ phần bàn tay phải lên tới cổ tay. Sau đó anh nhanh chóng được chuyển đến cơ sở y tế tỉnh sơ cứu rồi tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, nơi anh Tê đã trải qua phẫu thuật để nối ghép những phần tay bị tổn thương. Sau khoảng 3 ngày phẫu thuật, phần tay bị máy cán dập đã có dấu hiệu sống.
Một trường hợp khác là của Hà Quy (43 tuổi, tỉnh Lâm Đồng - tên nhân vật đã thay đổi), là một lao động tự do không qua đào tạo. Khoảng 3 tháng trước, anh Quy bắt đầu làm việc cho một phân xưởng sản xuất máy ép gỗ để sản xuất giấy. Trong quá trình làm vệ sinh máy ép gỗ, anh Quy không may bị tay cuốn vào máy ép, gây chấn thương nặng tay phải. Anh Quy chia sẻ: “May mắn là có người tắt điện kịp thời, nhưng giờ tôi đang lo không biết tay hồi phục được đến đâu, liệu có tiếp tục làm việc để giúp đỡ gia đình không?”.
Thiếu kiến thức an toàn lao động khiến nhiều tai nạn xảy ra
Trong năm 2023, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM ghi nhận hơn 300 ca tai nạn lao động. Vì là bệnh viện tuyến cuối nên những bệnh nhân nhập viện đều ở trạng thái nặng. Trong giai đoạn cận Tết, có những tai nạn liên quan đến việc làm các món ăn truyền thống như xay thịt làm chả, làm bánh cùng nhiều ngành nghề khác có sử dụng máy công nghiệp.
Theo TS.BS.CKII Mai Trọng Tường - Trưởng khoa Vi phẫu - Tạo hình tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, thống kê cho thấy, đa số những người gặp tai nạn lao động là những người nhập cư, không phải người dân địa phương. Chỉ tính trong năm 2023, có 84 bệnh nhân có hộ khẩu TPHCM gặp tai nạn, trong khi bệnh nhân nhập cư hoặc gặp nạn ở các tỉnh khác chiếm 274 người, gấp 3-4 lần so với người dân TPHCM. Người nhập cư thường đảm nhận các công việc nặng nhọc để kiếm sống, thiếu đào tạo và kỹ năng nghề nghiệp, từ đó dễ gặp tai nạn. Đối với công việc có máy móc và cường độ lao động cao, người lao động cần được đào tạo chuyên sâu và có kiến thức phòng ngừa.